Mua tàu nghìn tỷ để… thử nghiệm

TP - Việc mua tàu là để thực hiện nhiệm vụ lớn lao là tạo ra một con đường cao tốc trên biển. Muốn thế, phải có một con tàu... thử nghiệm – cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình trả lời HĐXX về thương vụ mua bán tàu Hoa Sen.
Bị cáo Phạm Thanh Bình (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng các đồng phạm tại tòa Ảnh: TTXVN

> Cựu Chủ tịch Vinashin thừa nhận cáo trạng

Hôm qua (27-3), ngày đầu tiên xét xử vụ cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), HĐXX TAND TP Hải Phòng tập trung xét hỏi về hành vi của các bị cáo trong dự án mua tàu Hoa Sen và xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân.

Hầu hết các bị cáo cho rằng, họ không phạm tội. “Các hành vi sai phạm thì tôi đồng ý, còn phần buộc tội và thiệt hại thì không đồng ý”- bị cáo Phạm Thanh Bình trả lời về vụ tàu Hoa Sen.

“Mua tàu thuộc thẩm quyền của Vinashin”

An ninh được thắt chặt trước trụ sở TAND Hải Phòng. Mọi người ra vào phiên tòa đều phải qua kiểm tra giấy tờ kỹ lưỡng Ảnh: Hoàng Long.
 

Ông Bình lý giải: “Vụ mua tàu Hoa Sen là một kế hoạch lâu dài được hoạch định từ những năm 2000, khi Chính phủ có chủ trương thiết lập tuyến đường Bắc- Nam trên biển. Mức đầu tư dự án mua tàu Hoa Sen khoảng 66 triệu Euro (tương đương 1.300 tỷ đồng)... Việc mua con tàu là để thực hiện nhiệm vụ hết sức lớn lao của chúng tôi là tạo ra một con đường cao tốc trên biển. Muốn thế thì phải có một con tàu thử nghiệm và đang giữa chừng thì bị khủng hoảng”.

Cũng theo ông Bình, thời điểm đó theo khảo sát của Vinashin, trên thế giới chỉ có 2 con tàu phù hợp, trong đó có tàu Hoa Sen, nên phải quyết định mua ngay.

“Tôi có một số sai phạm, một phần có nêu trong bản cáo trạng, song chưa thực đúng lắm... Tôi cho rằng mình không làm trái ý Chính phủ. Khi chúng tôi xin ý kiến Chính phủ thì được trả lời cho phép mua mới, còn việc đầu tư thì theo quy định pháp luật. Tôi cho rằng, việc quyết định mua tàu Hoa Sen thuộc thẩm quyền của Vinashin”- ông Bình trả lời HĐXX.

Được hỏi về trách nhiệm trong các vết nứt của con tàu, bị cáo Phạm Thanh Bình nói: “Tôi khẳng định vết nứt vỏ tàu là ngoài trách nhiệm của chúng tôi, vì tàu có vết nứt tiềm ẩn, nằm sâu ở giữa, dưới đáy tàu. Sau 3 tháng sử dụng tàu mới xảy ra việc này. Không thể khẳng định đây là lỗi của việc đi mua tàu”.

Bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Giám đốc Cty TNHH Một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, chủ đầu tư dự án) cũng cho rằng: “Tôi là Cty con và chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Cty mẹ. Về vấn đề kiểm tra tàu, chúng tôi làm đúng pháp luật”.

Khi HĐXX thẩm vấn lý do tăng mức đầu tư của dự án hơn 100 tỷ đồng trong vòng 3 tháng, bị cáo Liêm lý giải phải xây cầu bến lấy chỗ cho tàu ra vào.

Cũng liên quan đến dự án này, bị cáo Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó TGĐ Cty Tài chính TNHN Một thành viên Công nghiệp tàu thủy - VFC) đẩy trách nhiệm cho Cty Viễn Dương trong việc ký hợp đồng cho vay gần 1.400 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên TGĐ Cty VFC) cũng khẳng định đã làm đúng thủ tục cho vay...

Thiệt hại hơn 66 tỷ đồng do khách quan?

Trước đó, tại phiên xét xử buổi sáng, HĐXX thẩm vấn bị cáo Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm về dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, gây thiệt hại 66,5 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ông Bình đồng ý cho cấp dưới mua và tháo dỡ thiết bị cũ từ một nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc về lắp đặt. Do mức tiêu hao nhiên liệu quá lớn, nên nhà máy càng hoạt động càng lỗ, đến cuối năm 2009 đóng cửa.

Ông Bình thừa nhận nội dung cáo trạng đúng. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho rằng, sai phạm trên bắt nguồn từ điều kiện khách quan, Tập đoàn phải thực hiện dự án trong khi nguồn vốn của Chính phủ chưa có.

“Chúng tôi mua một nhà máy có sẵn, là vì giá thành thấp được gần một nửa so với việc xây dựng nhà máy mới”- bị cáo Bình lý giải.

Lý giải về việc nhà máy thua lỗ phải ngừng sản xuất, bị cáo Bình cho rằng vì nhà máy có 6 tổ máy mà mới chỉ có 2 tổ hoạt động.

“Những thiệt hại này, trong thời gian đầu vận hành thì không phải do tôi gây ra. Một dự án mới đầu tư, chưa chạy hết công suất, lỗ là đương nhiên" - ông Bình trả lời.

Cũng về dự án trên, bị cáo Tô Nghiêm (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân) thừa nhận có những sai phạm, vi phạm Luật Đầu tư. “Trách nhiệm của tôi cũng rất lớn. Lẽ ra tôi phải kiến nghị không nên chạy ngay mà phải đợi nhà máy thép. Chúng tôi đã cố gắng chạy và bị lỗ” – ông Nghiêm nói.

Cuối buổi chiều qua, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên TGĐ Vinashin) trong thương vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tháng 7-2008.

Ông Vũ thừa nhận sai sót vì bán vỏ tàu trong khi chiếc tàu đang thế chấp và bán không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, ông Vũ biện minh việc bán vội vỏ tàu do thiếu tiền trả lương công nhân và sợ vỏ tàu…ế.

Theo Báo giấy