Mùa săn 'đặc sản' nòng nọc ở vùng cao xứ Quảng

TPO - Nòng nọc là ấu trùng của ếch, nhái, cóc với nhiều người mới nghe thôi đã “nổi gai ốc” nhưng đối với người dân Hre vùng cao huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại là món… đặc sản. Muốn mua cũng không bán chỉ khách quý mới được thiết đãi…
Dụng cụ bắt nòng nọc chủ yếu chỉ là rổ và một cái đụt tre đeo bên hông. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Thời điểm này, những ruộng lúa ở huyện miền núi Ba Tơ đã được thu hoạch xong. Sau những cơn mưa giông trút nước, cũng là lúc người dân ở các bản làng nơi đây kéo nhau cầm rổ, man đụt (vật đựng bằng tre) đi xúc “đặc sản” nòng nọc. Với họ, đây là món ăn quen thuộc và “quý hiếm”, vì mỗi năm chỉ có vài tháng để thưởng thức.

Theo kinh nghiệm của người dân sau những đợt mưa giông ấu trùng của nòng nọc từ các dòng suối đồ về các cánh đồng tại đây thường tập trung nhiều người dân đến xúc. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Với người dân ở huyện miền núi Quảng Ngãi thì nòng nọc là “đặc sản” ngon và bổ dưỡng hiếm có loại đặc sản nào sánh bằng, kể cả thịt trâu, thịt heo, thịt bò hay gà, vịt, cá đều không ngon bằng nòng nọc. Theo đó, chỉ có khách quý mới được người dân nơi đây mang ra chế biến làm món ăn để thiết đãi.

Chạy dọc các tuyến đường liên xã ở huyện vùng cao Ba Tơ, chúng tôi chứng kiến cảnh người người cặm cụi dưới ruộng xúc nòng nọc.

Nòng nọc được người dân ví có thịt ngon và bổ dưỡng hơn nhiều loại thịt heo, bò. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Dùng tay vớt những lớp rơm rạ bồng bềnh dưới mép ruộng bà Nguyễn Thị Niu (50 tuổi), ở xã Ba Dinh, cho biết: "Không phải không có thức ăn mà phải ăn nòng nọc, mà nó là món ăn cực kỳ bổ dưỡng mà nó là món ăn được xem là đặc sản của người dân nơi đây. Mùa nào cũng vậy, cứ xong vụ gặt lúa trời bắt đầu đổ mưa giông thì cả làng ai ai cũng đổ ra đồng để bắt nòng nọc. Hôm nào nhiều mỗi người xúc được cả kg, bữa ít thì được năm, bảy lạng".

Nòng nọc được xem là "đặc sản" để thiết đãi khách quý của người vùng cao. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Để săn được nhiều nòng nọc, người dân phải dùng tay vớt những lớp rơm rạ bồng bềnh dưới mép ruộng lên. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Ngày nào may mắn, mỗi người có thể xúc được 1kg nòng nọc. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Dụng cụ săn nòng nọc cực kỳ đơn giản, chỉ cần một cái rổ tre hoặc nhựa và một cái đụt tre đeo bên hông là đồ nghề để “săn” nòng nọc của người dân tộc Hre nơi đây. Bất kỳ ai cũng có thể “săn” được nòng nọc.

Nòng nọc chỉ sống trong môi trường nước sạch, không hóa chất, được xem là món ăn đặc sản “siêu sạch”, “siêu” bổ dưỡng của người dân tộc Hre. Nòng nọc sau khi bắt về được người dân mổ bỏ ruột rồi cho ít muối rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như: Nấu canh với rau rừng, ướp với sả, ớt để xào, nướng… Chỉ cần cho vào miệng là lập tức dậy lên đủ thứ mùi vị, ngọt, béo, giòn, thơm ngậy. Bởi thế, đây từ lâu là món nhậu khoái khẩu của các “quý ông”.

Những con nòng nọc to béo nằm lẫn với tép và cua đồng. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Nòng nọc chỉ sống trong môi trường nước sạch, không hóa chất, được xem là món ăn “đặc sản” “siêu” sạch, “siêu” bổ dưỡng của người dân tộc Hre. Ảnh Nguyễn Ngọc.

Ngoài ra nòng nọc là món được xem là “siêu” bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh vừa ngon, vừa mát, vừa lợi sữa, còn đối với các cụ già sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.

Vì số lượng nòng nọc bắt được ít nên phần lớn được người dân mang về chế biến làm thức ăn cho gia đình. Thỉnh thoảng hôm nào được nhiều quá thì mới mang ra chợ bán, với giá 70-100.000 đồng/kg.