Mùa hè xanh tại Y Tý

TP - Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao đổi thay vùng đất khó, đội tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa cho vùng đất xa xôi của Tổ quốc - xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai).
Phạm Thị Hoài Chi được các em nhỏ Y Tý tặng quả trong vườn nhà. Ảnh: ĐTĐHYD

Làm đường cho dân đi

Con đường vào thôn Lao Chải 2 dốc dựng đứng, đường đất nên mỗi khi trời mưa là trơn trượt, người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Ý tưởng bê tông hóa con đường nhanh chóng được các chiến sĩ tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên bắt tay thực hiện.

Đội tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên đã kêu gọi thêm các lực lượng, gồm: Đoàn xã, CLB tình nguyện HOPE, các chiến sĩ biên phòng chung tay thực hiện. Anh Nguyễn Văn Dũng, giảng viên bộ môn Dược lý, ĐH Y dược Thái Nguyên, đội trưởng đội tình nguyện cho biết, ban ngày làm đường, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các tình nguyện viên phải vác từng bao xi măng từ dưới lên rất vất vả, mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy, người dân Lao Chải 2 vào làm cùng đội tình nguyện. “Khi con đường hoàn thành, người dân nơi đây vui mừng lắm, họ đến cảm ơn từng người trong đoàn tình nguyện. Từ nay họ có thể đi lại mà không lo mưa gió”, anh Dũng nói.

Anh Dũng cho rằng, một trong những thành công của chiến dịch Mùa hè xanh tại Y Tý là đội đã huy động được các lực lượng khác cùng tham gia. Nhờ sự chung sức, chung lòng đó, đội tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên dù lực lượng khá mỏng nhưng đã thực hiện được nhiều công trình, phần việc thiết thực cho người dân Y Tý.

Đây là lần đầu tiên Phạm Thị Hoài Chi, sinh viên năm 2, khoa Dược, ĐH Y dược Thái Nguyên, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh. Chi và các đồng đội được bố trí ở tại trường tiểu học Y Tý, không điện, không nước. “Cả đội phải dùng ống hút nước từ suối lên sinh hoạt. Nước rất ít ỏi nên chúng tôi phải dùng chắt chiu từng chút một. Đây là những trải nghiệm giúp tôi thấu hiểu hơn những thiếu thốn, vất vả mà bà con Y Tý đang trải qua. Qua đó giúp tôi biết trân trọng, yêu thương những gì mình đang có”, Chi chia sẻ.

Vừa trở về được một ngày, Chi đã thấy nhớ những đứa trẻ Y Tý. “Ngày chia tay, các em cầm chặt tay chúng tôi khóc rất nhiều, không muốn chúng tôi về xuôi”, Chi nói và cho biết thêm, trong suốt 10 ngày ở Y Tý, những đứa trẻ nơi đây quấn quýt đội tình nguyện. Các em thường đến nơi ở của đội chơi, làm việc cùng. Có em còn mang rau từ vườn nhà cho đội tình nguyện.

Sẽ quay lại Y Tý nhiều hơn nữa

Anh Nguyễn Quang Đông, Bí thư Đoàn trường ĐH Y dược Thái Nguyên cho biết, đây là lần thứ 2 liên tiếp ĐH Y dược Thái Nguyên tổ chức các hoạt động tình nguyện tại Y Tý. Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2018, ĐH Y dược Thái Nguyên phối hợp với Bệnh viện Y dược Thái Nguyên, Hội LHTN huyện Bát Xát (Lào Cai) tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 600 học sinh thuộc 2 xã Y Tý và Ngải Thầu. Đội tình nguyện đã chở máy móc thiết bị khám chữa bệnh và thuốc từ dưới xuôi lên 2 xã, tổng trị giá lên tới hơn 500 triệu đồng. “Chuyến đi đó chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của người dân, các em nhỏ nơi đây quá thiếu thốn, thiệt thòi. Vì vậy, sau khi bàn bạc với Hội LHTN huyện Bát Xát mùa hè này chúng tôi quyết định quay lại đây, mang sức trẻ, trí tuệ chung tay góp sức đổi thay cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn”, anh Đông nói.

Anh Đông cho biết, trong 10 ngày tình nguyện tại Y Tý, đội tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên đã thực hiện được nhiều phần việc ý nghĩ: Làm tuyến đường bê tông thôn Lao Chải 2; truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 45 người cao tuổi; xây dựng 5 hố tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình; tổ chức các buổi sinh hoạt hè cho thiếu nhi; tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn, các em thiếu nhi nghèo vượt khó…

Anh Đông cho biết thêm, ĐH Y dược Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tình nguyện tại Y Tý nói riêng và huyện Bát Xát nói chung; trong đó chú trọng phát huy thế mạnh chuyên môn về y dược nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; giúp họ xây dựng nếp sống hợp vệ sinh…

“Người dân ở đây chủ yếu dân tộc Hà Nhì, trình độ còn thấp, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế. Đoàn tình nguyện đã cùng với Đoàn xã đi bộ, vượt từng quả đồi vào từng nhà dân tuyên truyền, mời họ tham gia chương trình truyền thông về sức khỏe sinh sản. Sự tận tình của đội tình nguyện đã kêu gọi được đông đủ phụ nữ Y Tý tham gia buổi truyền thông tập trung tại trạm y tế xã về giáo dục sức khỏe sinh sản”.
Anh Nguyễn Văn Dũng, đội trưởng đội tình nguyện ĐH Y dược Thái Nguyên