Mua hàng theo nhóm sắp hết thời?

Tâm lý người tiêu dùng đã không thích xài voucher cho những dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khoẻ... vì đã có tình trạng khách hàng bị từ chối dịch vụ hoặc phân biệt đối xử so với những người trả tiền mặt trực tiếp do những rắc rối giữa các nhà cung cấp.

Trên thị trường hiện nay, mua hàng theo nhóm trên các trang web deal (bán hàng giảm giá) đã không còn thu hút nhiều người như trước. Trước tình trạng này, các nhà kinh doanh đã thay đổi để tồn tại.

Chọn hàng trên các trang web mua theo nhóm. Ảnh: T.V

“Đã từ lâu tôi không còn thói quen điểm tin các trang web deal mỗi sáng để đăng ký mua các voucher cho dịch vụ ăn uống, làm đẹp... vì tôi có cảm giác không được đối xử công bằng khi luôn bị hỏi “có dùng voucher không” trước khi sử dụng dịch vụ ở nơi cung cấp”, chị Lan – nhân viên văn phòng, sau một thời gian dài là khách hàng thân thiết của những trang web deal thở dài ngao ngán.

Chị Thanh ở quận 10 cho biết, đã kiểm duyệt hình ảnh sản phẩm trên web và quyết định mua voucher nhưng khi đem voucher đến nơi để đổi hàng thì món hàng lại không như chị nhìn thấy trên web từ chất lượng cho đến màu sắc. Tuy nhiên, voucher đã mua rồi thì không thể trả và chị đành phải vác món hàng ấy về.

Chị Huệ ở Bình Thạnh cũng từ bỏ hình thức mua theo nhóm sau nhiều lần liên hệ để đăng ký mua cho được bộ drap của một thương hiệu cao cấp có giá giảm 50% nhưng không mua được.

Trước thay đổi của khách hàng, chủ các trang web đã dần thay đổi để thích ứng. Nhiều trang không còn chú trọng nhiều vào những mặt hàng deal để bán theo nhóm mà tập trung kinh doanh những sản phẩm giảm giá, hàng thời trang, các dịch vụ... để bán cho từng khách hàng riêng lẻ.

Ông Hồ Quang Khánh, CEO trang cungmua.com – nhommua.com cho biết, voucher dịch vụ giảm, thay vào đó là hàng hoá bán ra tăng. Nhiều nhất vẫn là hàng thời trang, một ngày hơn 3.000 đơn hàng giao trực tiếp, chiếm gấp đôi số lượng voucher bán ra. Doanh số của công ty tăng 25% so cùng thời điểm năm ngoái. Trang web hiện có 3.000 sản phẩm nhưng voucher chỉ chiếm 1/3 tổng số.

Bà Nguyễn Thị Trà My, giám đốc trang cungmuasam.net cho biết: “Dù số lượng khách chung của thị trường không tăng nhưng nhờ số lượng trang web deal giảm nhiều nên số lượng khách riêng và doanh số của những trang còn tồn tại ổn định hơn. Đồng thời chúng tôi đã định hướng tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng, nhằm tận dụng những lợi thế có sẵn giúp gia tăng thị phần”.

Theo bà My, ở trang web của bà số lượng voucher dịch vụ ít hơn so với sản phẩm hàng hoá bán ra. Nếu trước đây tỷ lệ voucher bán ra chiếm khoảng 70 – 75% tổng số hàng hoá, dịch vụ thì hiện tại chỉ xấp xỉ 50%.

Ông Khánh cũng nói rằng, để thay đổi, doanh nghiệp đã đặt ra những yêu cầu cao trong việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Khách hàng có thể gọi điện phản ánh hoặc trả voucher và được hoàn lại tiền nếu không sử dụng được dịch vụ hoặc thấy không thoả đáng. Đối với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhu cầu khách hàng mua voucher vẫn còn và dịch vụ đã tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng thì mỗi nhà cung cấp đã có một lượng khách cố định thì công ty lại khai thác những đơn vị mới mở, đối với những đơn vị cũ thì công ty khai thác những khoảng thời gian trống ở những những thời điểm ít khách để đem lại được giá tốt nhất cho khách hàng.

Hiện tại đa số khách hàng đã thay đổi hành vi tiêu dùng, họ thích mua sản phẩm liền tay, thích đến tận nơi để xem hàng chứ không đợi chờ vài ba ngày để mua bằng voucher hoặc giao hàng như trước. “Trước đây khi đăng ký mua voucher khách hàng còn e dè nên chí có thể đăng ký một sản phẩm cho một voucher, còn bây giờ đến tận nơi xem hàng thì họ có thể mua nhiều sản phẩm cùng một lúc đồng thời mua thêm những sản phẩm khác”, bà My nói thêm.

Theo Ngọc Hoài

Theo Sài gòn Tiếp thị