Thời gian gần đây, trên trang web www.muare.vinahoo.com - một trang web rao vặt, mua bán qua mạng thu hút khá đông người Việt tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ, nhiều người đang xôn xao khi một bạn nữ có nick TheMay mở chủ đề phàn nàn việc mình mua phải nước hoa do một nick có tên Milano2009 rao bán. Tiền đã chuyển vào tài khoản người bán, đến khi nhận hàng thì lại nhận được hàng kém chất lượng!
Vụ việc nóng lên khi có nhiều người nữa cùng vào chủ đề này và nói rằng mình cũng từng "tiền mất tật mang", chuyển tiền để mua nước hoa "xịn" với giá trên 600 ngàn đồng mà cuối cùng nhận được nước hoa giả từ nick này. Hơn nữa, mọi người còn phát hiện ra rằng Milano2009 còn rao bán hàng dưới nhiều nick khác nữa.
TheMay cho biết: "Mình có mua một chai Nina ricci của em Milano, tên Linh với giá 650 ngàn đồng, số điện thoại 090299...., số tài khoản ngân hàng Vietcombank 0371003 74...., tên chủ thẻ là L.T.K.E. Tuần trước em ấy đã giao đồ cho TheMay.
TheMay về dùng thử mà thấy chai này mùi bay nhanh quá, chưa được nổi 2 giờ. TheMay có lấy một chai nước hoa giả so thử, thấy giống hệt nhau về mùi vị và thời gian bám mùi, cả chi tiết lỗi trên lá của hai chai cũng giống hệt nhau.
TheMay chưa dám khẳng định là chai Nina của Milano có là hàng giả hay không, nhưng TheMay thắc mắc tại sao hàng chuẩn mà vỏ chai cũng làm ẩu vậy?".
Ngay lập tức có người vào lên tiếng. P.K.H (Q.Đống Đa, Hà Nội) kể: "Mình đã mua của em này 4 chai, em ý gửi làm 2 lần, lần đầu là chai nước hoa Lancome tím, mình thấy cũng không có vấn đề gì trầm trọng mặc dù không ưng ý lắm, nhưng lần sau em ý gửi nốt cho mình 3 chai, và mình khẳng định 3 chai đó là giả.
Chai thì nước toàn cặn, chai thì nắp và thân màu vỏ khác nhau, làm bằng nhựa rẻ tiền, đầu xịt bong lung tung. Mình có liên lạc lại với em đó, nhưng em đó không nhận và bảo mình tráo hàng và nói năng rất láo. Mình vẫn còn nguyên bằng chứng về các chai nước hoa rởm, hóa đơn chuyển tiền và những gì em ý nó với mình".
Và P.K.H cũng đưa ra bức ảnh chụp tờ biên lai chuyển tiền cho tài khoản mang tên L.T.K.E đã nói ở trên. Không thể tìm được người bán, vì tất cả giao dịch chỉ thông qua chuyển khoản và bưu điện, tất cả những gì mà các "nạn nhân" biết chỉ là nick, tên, số điện thoại của người bán - mà tất cả những yếu tố này đều có thể thay đổi rất dễ dàng, còn số tài khoản và tên chủ tài khoản là có thật, có điều rất có thể đó là tài khoản đi mượn.
Rủi ro nhưng vẫn... ham
Hiện nay, trên các trang web rao vặt, mua bán ở Việt Nam, kiểu bán hàng này khá phổ biến. Người bán đưa lên mạng giới thiệu ảnh sản phẩm, nói là mình đang có hoặc hàng sắp nhập về và ra giá bán.
Người mua thấy ưng ý thì đưa trước 30 - 70% giá tiền, khi nhận hàng sẽ giao nốt số tiền còn lại. Nhiều trường hợp còn đưa trước 100%. Đến khi nhận hàng thì... ôi thôi, chất lượng và quảng cáo khác xa nhau.
Ở trang web này, cùng lúc có tới cả nghìn người vào xem hàng, chứng tỏ số lượng giao dịch thành công cũng không phải là nhỏ. Vậy điều gì hấp dẫn giới trẻ mua sắm online đến vậy?
Một bạn trẻ có thói quen lướt web mua hàng kiểu này tâm sự: "Vì mua hàng trên này có thể kiếm được những món đồ chất lượng tốt mà giá rẻ hơn trên thị trường rất nhiều". Theo kinh nghiệm của những bạn đã mua bán trên mạng nhiều, thì chỉ nên mua hàng của những nick quen biết, đã có uy tín.
Nếu vì ham rẻ, ham đẹp mà mua của những nick lạ hoắc thì rủi ro lắm thay. Một kinh nghiệm nữa là nên mua của những nick có địa điểm giao hàng, để người mua có thể xem hàng trực tiếp kẻo lại rước về hàng rởm.
Những trang web mua bán online uy tín như www.ebay.com, www.etsy.com thì cả người bán lẫn người mua đều phải khai đầy đủ thông tin cá nhân, có chế độ phản hồi đánh giá uy tín của người bán để người mua theo đó mà "chọn mặt gửi vàng".
Thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng của VN chỉ là trang rao vặt, chứ chưa phải là mua bán online theo đúng nghĩa, bởi trang web đó không có ràng buộc và kiểm soát gì đối với cả người mua lẫn người bán cả, và vì thế rủi ro cao cho người mua.
Theo Phương Nguyên
Thanh Niên