'Một số cơ quan báo chí cố tình đưa tin bất lợi cho doanh nghiệp'

TPO - Đó là ý kiến của một số diễn giả chia sẻ tại hội thảo Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số do báo Tiền Phong tổ chức tại TPHCM, ngày 23/7.
Quang cảnh hội thảo

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM cho rằng, TPHCM đang đối diện nhiều thách thức và theo ông báo chí truyền thông, làm sao để đóng góp, góp phần cho sự ổn định chung công tác báo chí?

Người đứng đầu Trung tâm báo chí TPHCM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố hiện có 30 cơ quan báo chí đang hoạt động gồm: 16 báo, 12 tạp chí, 1 đài truyền hình và 1 đài tiếng nói nhân dân Thành phố. Trong đó, có 11 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử. Ngoài ra, có 161 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương khác đã đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Ông Từ Lương

Đặc biệt, ông Từ Lương nêu thực trạng, hiện nay có một số cơ quan tạp chí trung ương chưa đăng ký, đang trong diện rà soát để quản lý. “Trong năm nay, TPHCM mở rất nhiều cuộc giao ban, tích cực đẩy mạnh công tác tuyền truyền. Trước vấn đề nóng được xã hội quan tâm, có nhiều chính sách lớn tác động người dân, các cuộc giao ban báo chí này cần cung cấp thông tin cho báo chí” – ông Từ Lương nói.

"Khi đưa thông tin bất lợi cho doanh nghiệp, một số cơ quan báo chí có chủ ý, chủ đích chứ không phải là vô ý" – ông Từ Lương nhấn mạnh.

Khi nói về vấn đề chia sẻ thông tin, theo TS Nguyễn Văn Vẹn, Giám đốc cơ sở 2 trường ĐH Mở TPHCM, trong thế kỷ 21, ai nắm đc thông tin thì sẽ thắng. Báo chí truyền thông cách mạng có một mục đích chung truyền thông để giải quyết bài toán phát triển đất nước.

TS Nguyễn Văn Vẹn

“Để xây dựng chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số thành công, cần đến tư duy nhận thức của những nhà khởi nghiệp đầy hoài bão và chuyên nghiệp; giúp sức từ các quỹ đầu tư rủi ro, mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường, liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với vai trò cá nhân tham gia hoạch định chính sách công tâm và thấu hiểu.

Ngoài ra, mỗi cá nhân tham gia truyền thông kỹ thuật số, môi trường mạng ảo cần nghiêm túc chấp hành luật pháp về bảo mật thông tin, an ninh mạng và các quy định của pháp luật, có ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa, trong giao tiếp, không làm tổn thương trên cộng đồng mạng, định hướng truyền thông tin có lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước. Chính sách phát triển và quản lý truyền thông kỹ thuật số hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế truyền thông số ở Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Vẹn đúc kết.

BTC Hội thảo “Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp thời đại số” trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các doanh nghiệp: Tài trợ chính: Tập đoàn Novaland, Cty Cổ phần Đầu tư  Kinh doanh  Địa ốc Hưng Thịnh (HungThinh Corp), Cty  TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh; đồng tài trợ: Cty Mỹ Phầm Đăng Dương;  Đồng hành: Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hưng Lộc Phát, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, Ngân hàng Nam Á.