Một người Việt là ân nhân của người Do Thái

TPO - Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân bị phát xít Đức thảm sát tại các trại tập trung trong Thế chiến II được tổ chức tại Hà Nội lần đầu tiên ngày 24/1.

> Vào trại Auschwitz

Sự kiện do Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán Israel, Viện nghiên cứu Châu phi-Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức.

Tiến sĩ Orit Margaliot (Bảo tàng thảm sát người Do Thái Yad Vashem) cho biết vừa qua Nhà nước Israel khen thưởng những người đã giúp đỡ, cưu mang người Do Thái khỏi sự săn lùng của phát xít Đức. Trong số những người được tôn vinh có một người Việt Nam là ông Paul Nguyễn.

Theo bà Margaliot, ông Paul Nguyễn sinh năm 1919 hiện vẫn còn sống ở Pháp. Ông người Pháp gốc Việt kết hôn với một phụ nữ Do Thái.

Ông Paul Nguyễn đã chở vợ và các thành viên gia đình vợ qua biên giới Thụy Sĩ để chạy trốn tránh sự săn lùng của lính Đức

Thời kỳ từ năm 1938 đến đầu năm 1945, phát xít Đức đứng đầu là Aldof Hitler cho gom những người Do Thái, người Di Gan, người đồng tính, … từ khắp các quốc gia châu Âu mà Đức chiếm đóng vào các trại trung để lao động khổ sai và cuối cùng bị đánh hơi độc cho chết hoặc chết vì đói ăn, bệnh tật. Các thống kê cho thấy khoảng 6 triệu người Do Thái, 2 triệu người Di Gan, 15.000 người đồng tính, và hàng triệu người khác bị phát xít Đức cùng những kẻ đồng lõa lừa họ chở trên các đoàn tầu hỏa đến các nơi như trại Auschwitz để bị giết chết.

Ngày 1-11/2005, tại phiên họp toàn thể lần thứ 42, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 27-1 hàng năm là ngày các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tổ chức tưởng niệm các nạn nhân bị Phát xít Đức thảm sát nói trên. Ngày 27-1 chính là ngày Liên Xô giải phóng các tù nhân trong trại thảm sát Auschwitz vốn là trại tập trung lớn nhất và qui mô giết người hiện đại nhất của Đức Quốc xã đặt tại Ba Lan ngày vùng đất này còn dưới sự chiếm đóng của quân phát xít Đức.

Đây là lần đầu tiên ngày tưởng niệm này được tổ chức tại Việt Nam.

Tại buổi lễ, sau phát biểu khai mạc của ông Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội –Nhân Văn, các diễn giả gồm Đại sứ Israel bà Meirav Eilon Shahar, Trưởng đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta, tiến sĩ Orit Margaliot thuộc Bảo tàng thảm sát người Do Thái Yad Vashem, và giáo sư Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu phi-Trung Đông đã ôn lại một giai đoạn lịch sử đau thương của nhân loại.

Các diễn giả đều cho rằng việc tưởng niệm sự kiện lịch sử này cần được tiếp tục để giáo dục cho các thế hệ mai sau để trong tương lai không lặp lại những cuộc thảm sát tương tự.

Theo Viết