Tăng nguồn sữa tươi
Theo Hiệp hội chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, hiện cả nước có trên 24.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa, với tổng đàn bò sữa gần 283.000 con, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt gần 800.000 tấn, đáp ứng khoảng 39 - 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng trong nước. Số còn lại, trên 60% phải nhập khẩu từ nước ngoài.
PGS.TS Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNN&PTNT), cho biết, do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu về các sản phẩm sữa cũng tăng lên, đặc biệt là sữa tươi. Thực tế, mức sử dụng trung bình của người dân Việt Nam với sữa tươi mới đạt đến 9 lít/người, nếu tính cả các sản phẩm quy đổi từ sữa như bơ, pho mát, sữa bột… mới ở mức 22kg/người/năm. Trong khi, mức trung bình của thế giới đã lên tới 103 - 104 lít sữa tươi, chưa kể sản phẩm quy đổi từ sữa khác. Do vậy, nhu cầu sữa tươi với Việt Nam tới đây sẽ tăng lên rất lớn.
Hiện toàn Mộc Châu đã có gần 600 trang trại chăn nuôi, đạt chuẩn Vietgap toàn vùng
Theo ông Giao, hàng năm, Việt Nam phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập sữa. Đây là điều vô lý, trong khi nhiều nơi ở Việt Nam có điều kiện tốt về thổ nhưỡng, nhân công để để phát triển đàn bò sữa. Đặc biệt là khu vực Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng)…là những nơi có ưu thế về mặt khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển đàn bò sữa.
Nhìn thấy tiềm năng thị trường lớn, nắm bắt những lợi thế của mình, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đã không ngừng phát triển quy mô đàn bò sữa, đầu tư hệ thống chế biến hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thực tế, trong mô hình chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, các nông hộ gắn chặt quyền lợi với công ty vì họ cũng là cổ đông nên đã phát huy được thế mạnh. Sau giai đoạn cổ phần hóa (năm 2005) đến nay, đàn bò trên nông trường không ngừng tăng thêm. Hiện toàn công ty có có gần 600 hộ chăn nuôi, với tổng đàn trên 23.000 con. Tất cả các hộ chăn nuôi đều áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để đáp ứng cho nguồn sữa tươi cho nhà máy chế biến, tới đây Mộc Châu Milk tăng mô trung bình 45-50 con/hộ, trong đó khoảng 30% nhóm hộ nuôi quy mô lớn 100-200 con/hộ. Tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển thêm các hộ chăn nuôi ngoài công ty, phù hợp với quy hoạch phát triển đàn bò sữa của Sơn La, đến năm 2020 là 35.000 con.
Nghiêm ngặt quy trình với từng giọt sữa
Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sữa tươi sạch và thơm ngon, Mộc Châu Milk đã đầu tư bài bản vào hệ thống trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ khâu xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, ngô làm thức ăn ủ chua, nhà máy thức ăn TMR (phối trộn khẩu phần ăn)… đến quản lý thú y, xây dựng môi trường xung quanh.
Đối với hệ thống chăn nuôi nông hộ, hiện toàn bộ hệ thống thú y, thụ tinh nhân tạo và quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi của nông trường đều do cán bộ công ty trực tiếp làm, hướng dẫn bà con thực hiện. 100% số hộ chăn nuôi đều có máy vắt sữa, máy tắm cho bò, máy cắt cỏ, thái băm thức ăn xanh.
Theo ông Nam, sau khi vắt sữa ở các trang trại xong, sữa phải chuyển đến các điểm thu mua của công ty ngay gần đó. Sữa bò sau khi vắt xong khoảng 35-37 độ C, khi đưa vào điểm thu mua, sẽ bảo quản ở 2-4 độ C. Hàng ngày, có xe chuyên dụng của công ty đi đến các điểm thu mua để lấy sữa về nhà máy chế biến.