Góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi):

Mở rộng thông tin lưu trữ trên thẻ căn cước là một sự cải tiến rất cần thiết

TPO - Góp ý về Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), anh Nguyễn Thái An - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở rộng thông tin lưu trữ trên thẻ căn cước là một sự cải tiến rất cần thiết. Điều này giúp tạo sự kết nối tốt hơn giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các giao dịch hành chính và dân sự…

Theo anh Nguyễn Thái An, việc sửa đổi Luật Căn cước như đã đề xuất là một bước đi hết sức cần thiết và có lợi cho cả cá nhân và xã hội. Trước hết, việc đổi tên thành "Luật Căn cước" thay vì "Luật Căn cước công dân" mang ý nghĩa tinh gọn hóa và phù hợp hơn với thực tế. Cụm từ "thẻ căn cước" thể hiện rõ ràng tính chất của loại giấy tờ này - là công cụ định danh và xác định danh tính cá nhân. Thay đổi này đồng thời cũng đưa Việt Nam sát với quy chuẩn quốc tế, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và quản lý nhà nước.

Cũng theo anh Nguyễn Thái An, thay đổi tên thành "Luật Căn cước" và sử dụng thuật ngữ "thẻ căn cước" có thể mang lại sự thú vị cho hệ thống giấy tờ nhận dạng của chúng ta. Cụm từ này nghe có vẻ gọn gàng hơn, thể hiện rõ tính chất xác định danh tính, và nó cũng tương thích với phong cách của nhiều quốc gia trên thế giới.

Anh Nguyễn Thái An - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Điều quan trọng hơn là việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật, bao gồm cả người gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Điều này không chỉ phản ánh tầm nhìn quản lý nhà nước, mà còn thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đối với người gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài.

Việc mở rộng thông tin lưu trữ trên thẻ căn cước là một sự cải tiến cá nhân tôi suy nghĩ là rất cần thiết. Điều này giúp tạo sự kết nối tốt hơn giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các giao dịch hành chính và dân sự. Chắc chắn rằng, đi kèm với những điều đó, sẽ cần có những quy định cụ thể để bảo vệ thông tin cá nhân và đảm bảo tính riêng tư của mỗi cá nhân.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò rất quan trọng

Góp ý về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, anh Nguyễn Thái An cho biết, trong thời gian vừa qua, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, và dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận, thông qua Luật tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

"Tôi cho rằng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của toàn dân. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý chính từ sự phản ánh của Nhân dân và cán bộ cơ sở. Trong bối cảnh thách thức an ninh, trật tự ngày càng phức tạp, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, phù hợp thực tế, và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

Sự ra đời của Luật sẽ là cơ sở quan trọng để tạo điều kiện tốt hơn cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh và trật tự; không chỉ giúp tinh gọn đầu mối, tiết kiệm ngân sách, mà còn cung cấp cơ hội tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng này

Tôi tin rằng việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho các lực lượng như dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách sẽ giúp tăng cường khả năng phát hiện, ngăn chặn và giải quyết các vấn đề an ninh và trật tự tại cơ sở. Điều này sẽ đảm bảo rằng chúng ta có một môi trường an toàn, ổn định để phát triển đất nước" - anh Nguyễn Thái An bày tỏ.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật này quy định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây viết gọn là người gốc Việt Nam); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các nội dung liên quan đến nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước công dân tại dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, người được cấp thẻ Căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, quan hệ công tác, tuyển chọn, bố trí, sử dụng lực lượng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật này áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập theo quy định của Luật này; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.