Mô hình chăn nuôi 'vượt bão' dịch tả lợn châu Phi

TP - Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là những chuỗi khép kín đã thành công “vượt bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi và cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng NN&PTNT kiểm tra công tác tái đàn, tăng đàn ở doanh nghiệp chăn nuôi lớn

Giá trị chuỗi phát huy

Dịch tả lợn châu Phi là nỗi ám ảnh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi hai năm qua, bởi đến nay thế giới vẫn chưa có thuốc, vaccine phòng trị loại bệnh nguy hiểm này.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuỗi thịt lợn an toàn đã, đang chứng minh hiệu quả. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết: Để bảo đảm nguồn cung cho trên 120 điểm bán thực phẩm sạch tại các quận trên địa bàn Hà Nội và 10 cửa hàng ở một số tỉnh, thành phố, công ty đã ký hợp đồng với hơn 300 trang trại chăn nuôi lợn.

Với chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, công ty chủ động được nguồn cung sản phẩm cho khách hàng và giá luôn ở mức ổn định.

Cũng nhờ xây dựng chuỗi khép kín theo hướng an toàn sinh học từ chăn nuôi đến sản phẩm tiêu thụ, HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội ) không những trụ vững, tránh được “bão” dịch tả lợn châu Phi và phát triển, cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, nhất là dịp Tết.

 Việc tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học ở các chuỗi liên kết, giúp cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhất là dịp Tết

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long cho biết, năm 2016, HTX Hoàng Long là một trong số ít các đơn vị được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn tham gia Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu là hoàn thiện mô hình chuỗi thực phẩm A-Z. 

HTX đang áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều kiện trại chăn nuôi an toàn sinh học của Bộ NN&PTNT hướng dẫn…

HTX đầu tư được nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến, đóng gói theo công nghệ của Đan Mạch với công suất giết mổ 50 con/giờ. Sản phẩm của chuỗi đa đạng về chủng loại từ thịt lợn mát chưa qua chế biến đến các sản phẩm chế biến sâu từ thịt lợn, với thương hiệu “A-Z”.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết,  từ hiệu quả của chuỗi thực phẩm A-Z, tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu Thành phố có chính sách hỗ trợ để phát triển thêm nhiều nuôi an toàn cung cấp nguồn thịt sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm là một “kỳ tích”, có thể áp dụng ở nhiều địa phương

“Kỳ tích” điển hình từ Quế Lâm

Tập đoàn Quế Lâm được xem là “hiện tượng”, là “kỳ tích” với mô hình chăn nuôi lợn áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học nhằm thoát khỏi những “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi.

Giữa tháng 9/2020, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp tổ chức hội thảo khoa học công nghệ chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.

Sau khi tổng kết đánh giá các mô hình và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, có thể một đề án khoa học về chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025 sẽ sớm ra đời, mà ở đó giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân.

Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm thành công là nhờ sử dụng men vi sinh theo công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.

Việc đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn làm tăng sức đề kháng cho lợn. Đệm lót sinh học giải quyết bài toán môi trường khi không sử dụng nguồn nước đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn cho nông hộ và gia trại.

Mô hình của Quế Lâm đã tạo niềm tin lớn với lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong việc ứng phó với loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn.

Kể từ thời điểm lần đầu kiểm tra mô hình của Quế Lâm vào tháng 7/2019 đến lúc trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quyết định đưa mô hình của Quế Lâm lan tỏa đến các địa phương, đích thân Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - phụ trách mảng chăn nuôi của Bộ NN&PTNT đã ít nhất 3 lần cùng các đoàn công tác của Bộ kiểm tra trực tiếp quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi.

Sau những chuyến thẩm tra của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã vào Thừa Thiên - Huế, để cùng với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này trực tiếp xác nhận ngay tại những mô hình chăn nuôi vẫn đang phát triển rất an toàn ngay giữa tâm dịch tả lợn châu Phi.

Khi đã có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để khẳng định, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, khẩn trương nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học “bởi thực tế đang rất cần”.

Từ 15 mô hình ban đầu ở Thừa Thiên-Huế, mô hình của Quế Lâm đã lan tỏa rộng và hiện đã có nghìn mô hình liên kết, hàng vạn con lợn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học khắp từ Bắc chí Nam.

Tập đoàn Quế Lâm đã phát triển lên 50.000 con lợn nuôi theo hướng hữu cơ đồng thời mở rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chuyển giao quy trình chăn nuôi đến người nông dân nhằm mục đích tạo ra một môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.