Công ty thẩm định giá giúp sức
Mặc dù những đơn vị thẩm định giá được xem là “người gác cổng” cho chủ đầu tư về giá nhưng trong thương vụ đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế ở tỉnh Đắk Nông năm 2020 vừa qua vẫn xuất hiện tình trạng… con voi chui lọt lỗ kim. Năm 2020, Công ty TNHH MTV kỹ thuật Việt Liên có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TPHCM là đơn vị trúng thầu gói thầu hệ thống phẫu thuật nội soi do sở Y tế Đắk Nông làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu là 6.760.000.000 đồng. Hệ thống thiết bị phẫu thuật nội soi này trước đó được Công ty TNHH MTV kỹ thuật Việt Liên mua lại của Công ty TNHH Thành Phương với giá 3.434.000.000 đồng, sau đó được Công ty CP Tư vấn và thẩm định giá BTC ở Hà Nội thẩm định là 6.765.000.000 đồng (cao hơn giá trúng thầu 5 triệu đồng).
Với chiêu thức tương tự, gói thầu 10 máy chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông được Công ty CP Tư vấn và thẩm định giá BTC thẩm định giá là 5.929.000.000 đồng. Số máy này được Công ty TNHH MTV kỹ thuật Việt Liên mua lại từ Công ty TNHH TMDV Tân Việt Mỹ chỉ với giá 2,3 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông sau đó đã mua theo giá trúng thầu là 5.920.000.000 đồng. Được biết tổng giá nhập khẩu trên tờ khai hải quan của 10 máy chạy thận nhân tạo nói trên chỉ có giá chưa tới 1,6 tỷ đồng.
Buôn bán thiết bị y tế vào các bệnh viện lâu nay được dân trong nghề cho là “miếng bánh béo bở”. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, rất nhiều bệnh viện khi mua máy phẫu thuật phaco từ Công ty CP kỹ thuật MSD có trụ sở tại quận 10, TPHCM đều phải trả giá cao hơn cả tỷ đồng so với giá trị của máy. Máy phẫu thuật phaco mà công ty này trúng thầu vào một số bệnh viện khu vực Tây Nguyên với giá hơn 2,2 tỷ đồng, trong khi giá thiết bị nhập khẩu tại ba tờ khai hải quan năm 2019 mỗi máy chưa tới 900 triệu đồng. Công ty CP kỹ thuật MSD cũng không phải là đơn vị nhập khẩu mà mua lại từ Công ty TNHH MTV kỹ thuật Việt Liên, sau đó nâng giá lên để tham gia thầu.
Ông Trần Phúc Tiến, đại diện Công ty CP kỹ thuật MSD ở TPHCM nói rằng khi doanh nghiệp này mua lại máy phẫu thuật phaco từ Công ty TNHH MTV kỹ thuật Việt Liên, giá của thiết bị trên tờ khai hải quan đã bị nhà phân phối “xóa giá” để bảo mật thông tin và chính sách của hãng?!. “Khi công ty của tôi mua vào thì không có giá trên tờ khai. Thấy nhà cung cấp bán giá hợp lý so với thị trường nên công ty mua lại mà thôi”- ông Tiến nói.
Tù mù về giá!
Trong thương vụ mua sắm máy tán sỏi laser mà Sở Y tế Đồng Nai triển khai cuối năm 2020 cũng cho thấy, giá máy được đội lên cao so với nhiều nơi. Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thăng Long Quốc tế là đơn vị trúng thầu với giá 4,2 tỷ đồng. Máy tán sỏi laser mà doanh nghiệp này cung cấp xuất xứ Trung Quốc, có Model là SRM-H3B do hãng Shanghai Raykeen Laser Technology Co., Ltd sản xuất.
Trong khi đó, một số bệnh viện cũng đấu thầu mua máy cùng chủng loại nhưng giá thấp hơn so với máy trúng thầu ở Đồng Nai. Cụ thể, giá máy tán sỏi lazer cùng chủng loại, cùng model và cũng do hãng Shanghai Raykeen Laser Technology Co., Ltd sản xuất trúng thầu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có giá chưa tới 3 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày28/12/2020 Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí ở tỉnh Quảng Ninh cũng phê duyệt kết quả đấu thầu mua hệ thống tán sỏi laser như Đồng Nai với giá trúng thầu gần 2,7 tỷ đồng. Ngày 30/12/2020, Bệnh viện Tuệ Tĩnhcũngmua máy tán sỏi laser 80W, cùng model, hãng sản xuất và cùng xuất xứ Trung Quốckèm phụ kiện có giá hơn 3,3 tỷ đồng.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở gói thầu thầu số 2: “Hệ thống chụp mạch máu DSA” mà Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư. Đây là gói thầu mua sắm thiết bị chuyên ngành tim mạch- tim mạch học can thiệp giai đoạn 2. Ngày 26/9/2019, bệnh viện này phê duyệt trúng thầu hệ thống can thiệp mạch DSA có model là Artis Q - Siemens, với giá gần 33 tỷ đồng. Tháng 10/2020, hệ thống can thiệp mạch DSA- CT Scanner 128 lát cắt đã được lắp đặt xong và khai trương. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 11/2020, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam mua hệ thống chụp mạch DSA trùng model, hãng sản xuất, nước sản xuất… với thiết bị của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu lại chỉ có giá hơn 25 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 17/9/2020, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt gói thấu số 63: Cung cấp và lắp đặt thiết bị xét nghiệm thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Một công ty ở Hà Nội trúng thầu với giá 107 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống máy Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 có giá gần 5 tỷ đồng, bao gồm máy Realtime PCR xuất xứ Singapore và máy Chiết tách nucleic acid xuất xứ Hàn Quốc.
Điều đáng nói là, cũng hệ thống máy này, đầu năm 2020 tỉnh Kiên Giang đã trang bị 2 máy cho CDC Kiên Giang và Trung tâm Y tế TP Phú Quốc với giá 3 tỷ đồng/hệ thống. Còn CDC tỉnh Gia Lai được một doanh nghiệp địa phương tặng hệ thống máy Realteme PCR cũng xuất xứ Singapore có giá 2 tỷ đồng.
Chưa hết, ở gói thầu “Hệ thống định danh vi khuẩn nhanh và phần mềm định danh + kháng sinh đồ tự động” một đơn vị trúng thầu cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang với giá 11 tỷ đồng trong khi đó Bệnh viện Bưu điện năm 2020 mua theo giá trúng thầu là 1,5 tỷ đồng. Còn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên mua theo giá trúng thầu là 3,4 tỷ đồng.
Tháng 5/2020, tỉnh Kiên Giang phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Số 64.1: Cung cấp và lắp đặt thiết bị liên chuyên khoa cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Gói thầu này có giá 103 tỷ đồng do liên danh trúng thầu. Trong đó có 03 máy giặt vắt ≥ 60 kg với tổng giá 3 tỷ đồng; 03 máy sấy đồ vải ≥ 60 kg có tổng giá 1,8 tỷ đồng. Trong khi đó, số máy giặt, máy sấy này ngoài thị trường được bán với giá rẻ hơn rất nhiều, cụ thể: máy giặt model HSCW-ES35 như các đơn vị trúng thầu có giá 341,8 triệu đồng, máy sấy model HSCD-ES45 có giá 181,6 triệu đồng. Tuy nhiên, Kiên Giang mua 03 bộ bao gồm máy giặt + sấy với giá 4,8 tỷ đồng.