Minh bạch thị trường để thoát khỏi tình cảnh... giải cứu

TPO - Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản không chỉ của Hải Dương mà còn có Hà Nội, Hưng Yên… giảm giá mạnh dẫn đến tình trạng “giải cứu” khắp nơi. Để giải quyết thực trạng này, về lâu dài cần liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản bền vững.
Hình ảnh giải cứu nông sản tại đường Giải Phóng, Hà Nội

Tại Hà Nội, nhiều điểm “giải cứu” nông sản đã xuất hiện những ngày gần đây. Không chỉ nông sản từ vùng dịch Hải Dương được “giải cứu” mà còn nông sản từ nhiều tỉnh thành như: Hưng Yên, Quảng Ninh…

Mặc dù được người dân ủng hộ nhiệt tình nhưng các chuyên gia cho rằng đây không phải giải pháp căn cơ. Thậm chí nhiều mặt hàng giá rẻ thì lợi nhuận người dân được “giải cứu” cũng không nhiều, cơ bản cần những giải pháp cân đối giữa cung và cầu, tính thị trường bền vững.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu củ cải xã Tráng Việt phải bỏ hoang nhiều mảnh ruộng, năm 2018, xã Tráng Việt cũng đã từng kêu gọi hỗ trợ thu mua củ cái. Đến năm nay tình trạng này lại lặp lại chứng tỏ bài học từ việc sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin: “Năm nay thời tiết rất thuận lợi cho rau màu vụ đông xuân phát triển, dẫn đến được mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sức mua thông qua kênh bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tháng 2/2020 giảm 16,7% so với cùng kỳ. Việc các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp và trường học đóng cửa, cũng là nguyên nhân cộng hưởng dẫn đến sức mua giảm”. Việc này diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng Hà Nội.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, UBND huyện Mê Linh có công văn gửi Sở về tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Sau khi nhận được phản ánh, Sở Công thương Hà Nội đã thông báo đề nghị các hệ thống phân phối, chợ, bếp ăn trường học đẩy mạnh phân phối rau củ cho người dân.

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến thời điểm này, đã tiêu thụ được gần 1.000 tấn củ cải cho bà con. Sở Công Thương cũng đang phối hợp với HTX Đông Cao để xác định lượng tiêu thụ hàng ngày, tiếp tục bao tiêu cho bà con nông dân.

Để khắc phục tình trạng tương tự, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và UBND các quận huyện có sản xuất nông nghiệp cần kiên quyết chỉ đạo sản xuất để có kế hoạch, không để người dân trồng tự phát bởi điều này sẽ dẫn đến việc dư cung, gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản. Việc bỏ đi hay khó khăn tiêu thụ đều là lãng phí nông sản.

Đồng thời, cần quan tâm, chỉ đạo nhân dân sản xuất theo phương châm sản xuất nông nghiệp cao. "Chỉ có sản phẩm chất lượng cao mới có việc tiêu thụ bền vững, có giá tiêu thụ cao. Nếu không tham gia sản xuất công nghệ cao sẽ dẫn đến việc khó tiêu thụ, giá rẻ . Người dân phải sản xuất có kế hoạch, không nên sản xuất tự phát, không để cung vượt cầu", bà Lan nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), giải cứu nông sản dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” mà nguyên nhân chính là sản xuất hàng hóa nông sản ở Việt Nam hiện nay ngày càng tăng trưởng và khối lượng rất lớn theo từng mùa vụ, nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất dồi dào nhưng hệ thống phân phối sự liên kết giữa các vùng miền, hạ tầng vận chuyển, chi phí logistic đã gây thêm những khó khăn cho hàng nông sản Việt. Một nguyên nhân nữa là cơ quan chức năng vẫn chưa coi nông sản là mặt hàng quan trọng cần phải tiêu thụ.

Theo ông Phú, nông sản xuất ra vào siêu thị cũng phải qua rất nhiều “cửa ải”: chi phí chiết khấu, đầu kệ, ép giá… Làm cho rau an toàn phải quy về với thị trường tự do, bán với rau không sạch với giá tương đương. “Đây là những vấn đề đặt ra cần ngành nông nghiệp quan tâm để dần bớt đi tình trạng giải cứu ồ ạt như hiện nay”, chuyên gia lưu ý.