Minh bạch chỉ số và hóa đơn tiền điện

Trước tình hình nhiều khách hàng sử dụng điện phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng 4, 5 và 6, trong tuần qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cùng đại diện Bộ Công thương, Bộ Khoa học-công nghệ và Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng tại các đơn vị kinh doanh phân phối điện .

Giải tỏa hoài nghi của khách hàng

Chị Hà Thị Nữ (Khu dân cư D2D, phường Thống Nhất, TP. Biên Hoà, Đồng Nai) khiếu nại kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình chị tăng vọt, từ mức 2 triệu đồng (kỳ tháng 5) lên trên 10 triệu đồng. Chị đã phản ánh sự việc của mình đến Trung tâm chăm sóc khách hàng EVNSPC. Nhân viên của Công ty Điện lực Đồng Nai đã đến nhà kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, tính toán công suất, điện tiêu thụ của các thiết bị cơ bản…để tìm nguyên nhân khiến tiền điện tăng vọt. Trước đây gia đình chị Nữ chỉ sử dụng điện cho sinh hoạt, sau đó chị đầu tư, sửa chữa lại nhà, lắp thêm các thiết bị điện như máy lạnh, quạt, tủ lạnh.... và bắt đầu kinh doanh quán cà phê… "Dù biết mình có nhiều thiết bị hơn và sử dụng điện nhiều hơn nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện tôi vẫn thấy… chóng mặt!"- chị Nữ chia sẻ. Tuy nhiên, “sau khi được nghe giải thích từ nhân viên điện lực, rằng điện sinh hoạt được tính theo giá bậc thang, càng sử dụng nhiều, giá càng cao thì tôi hiểu tiền điện tăng cao nhưng hợp lý”- chị Nữ nói, đồng thời cho biết chị được nhân viên điện lực hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng điện từ sinh hoạt sang điện kinh doanh để phù hợp với nhu cầu mới.

Ông Trương Đình Quốc - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, trong thời gian từ tháng 4 đến 6/2020, qua Tổng đài Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam, công ty tiếp nhận 14.867 trường hợp kiến nghị, phản ánh của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Các trường hợp trên đều được điện lực kiểm tra giải quyết kịp thời và khách hàng hài lòng với kết quả giải quyết của công ty.

Cùng thời gian trên, công ty còn tiếp nhận 9 trường hợp khác phản ánh về tiền điện qua mạng xã hội. Điện lực đã tiến hành giải quyết kịp thời, thỏa đáng và khách hàng đều hài lòng với kết quả giải quyết. Trường hợp hộ sử dụng điện Phùng Thị Qúy ở địa chỉ 2E đường Phan Đình Phùng, TP.Biên Hòa là một trong số đó. Người nhà bà Qúy phản ánh trên mạng xã hội về việc hóa đơn tiền điện tháng 4/2020 tăng cao. Ngay sau đó, Điện lực Biên Hòa (thuộc công ty Điện lực Đồng Nai) đã cử nhân viên đến tận nơi để kiểm tra, xác minh và xác định nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao do thời điểm nắng nóng, điện năng sử dụng kỳ tháng 4 (31 ngày) cao hơn kỳ tháng 3 (29 ngày) là 126 kWh.  Khi được giải thích, khách hàng đã thông hiểu và hài lòng với thực tế tiền điện tăng.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, trong ba tháng 4, 5 và 6/2020, toàn EVNSPC tiếp nhận 74.330 yêu cầu về tra cứu giá điện mới, tra cứu chỉ số, hóa đơn và kiến nghị chỉ số hóa đơn. Trong đó có 29.952 kiến nghị về chỉ số hóa đơn. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, nguyên nhân tăng do khách hàng vắng nhà, nhân viên tạm tính tiền điện tiêu thụ bằng tháng trước. Điện lực đã thực hiện điều chỉnh, thoái hoàn cho 198 khách hàng.

Ngoài ra, cùng thời gian kể trên, EVNSPC tiếp nhận 57 trường hợp về tiền điện qua báo chí và mạng xã hội. Tất cả những trường hợp này đã được các đơn vị điện lực giải quyết thỏa đáng. “Đến thời điểm này EVNSPC đã giải quyết tốt các thắc mắc của khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam”- ông Lý cho hay.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) Bùi Trung Kiên cho biết, cùng thời gian trên, EVNHCMC tiếp nhận 8956 kiến nghị, thắc mắc của khách hàng qua Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC liên quan đến hóa đơn tiền điện, trong đó chiếm đa số khách hàng tra cứu thông tin về giá bán điện, chỉ số công tơ. Ngoài ra có 8 trường hợp phản ánh thông qua báo chí và mạng xã hội. Toàn bộ các kiến nghị, thắc mắc qua các kênh kể trên đã được các công ty điện lực trực thuộc EVNHCMC giải quyết thỏa đáng và khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Xác định chỉ số điện đúng quy trình.

Ông Bùi Trung Kiên cũng cho biết, quá trình xác nhận điện năng tiêu thụ đến thu tiến điện được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình gồm 7 bước. Theo đó, trước khi đến bước cuối cùng là thông báo kết quả ghi chỉ số cho khách hàng, nhân viên điện lực phải thực hiện kiểm tra, phúc tra việc ghi chỉ số (bước 6). Việc này do một bộ phận độc lập thực hiện và tiến hành ngay sau thời điểm bộ phận ghi chỉ số tiến hành ghi chỉ số điện. 

Việc tổ chức ghi điện được thực hiện theo Nghị định 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian ghi chỉ số công tơ điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, cho phép dịch chuyển trước hoặc sau 1 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đối với công tác kiểm tra, phúc tra ghi chỉ số được tiến hành vào các thời điểm xác định. Các công ty điện lực ứng dụng công nghệ qua phần mềm thu thập chỉ số công tơ điện tử, phần mềm phúc tra chỉ số công tơ bằng thiết bị cầm tay, trực tiếp đến hiện trường… Các trường hợp sau khi phúc tra có phát hiện sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ đều được các đơn vị hiệu chỉnh trước khi phát hành hóa đơn đến khác hàng hoặc lập biên bản sửa sai và lập hóa đơn điều chỉnh nếu đã phát hành hóa đơn. Trong tháng 6/2020, EVNHCMC đã thực hiện phúc tra 374.260 khách hàng. Qua phúc tra đã phát hiện và sửa sai chỉ số, hóa đơn cho 13 trường hợp ghi điện viên ghi sai do chủ quan.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh của EVN khẳng định, EVN yêu cầu bắt buộc là các đơn vị điện lực trước khi phát hành hóa đơn cho khách hàng phải rà soát, phúc tra đối với tất cả khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng, giảm từ 30% trở lên so với tháng trước. 

 
 

Kiểm định và kiểm tra hồ sơ bảo trì công tơ tại Công ty CP điện-Điện lực Đồng Nai

Kiểm định nghiêm ngặt thiết bị đo đếm điện

Công tác kiểm định chất lượng thiết bị đo đếm điện là vấn đề được khách hàng sử dụng điện đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết, các công tơ điện được đều được các nhà sản xuất thực hiện theo mẫu được Bộ KH-CN phê duyệt và phải thực hiện theo một quy trình sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt, sau đó được niêm chì phản quang và dán tem kiểm định của các cơ quan chức năng cung cấp trước khi xuất xưởng. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với sản phẩm, chất lượng của mình công bố.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, trước khi tiến hành lắp đặt các công tơ cho khách hàng, ngành điện sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên với tỷ lệ 10 - 15% sản phẩm của lô hàng, nếu đạt yêu cầu mới đưa vào sử dụng.

Ông Lý cũng cho biết, sau một chu kỳ 4-5 năm (tùy loại công tơ), ngành điện thu hồi công tơ đã lắp đặt cho khách hàng để bảo trì và đưa công tơ đến các đơn vị kiểm định độc lập để kiểm tra, khi đạt yêu cầu mới đưa vào tái sử dụng. Trường hợp khách hàng sử dụng điện cảm thấy nghi ngờ về chất lượng và độ chính xác của công tơ cũng có thể đề nghị ngành điện đem công tơ đi kiểm định tương tự mà không cần đến chu kỳ, nhưng phải chịu phí.

Nhân viên điện lực giải thích cho khách hàng về cách tính giá điện

Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay, hiện cả nước có 144 tổ chức kiểm định công tơ điện, trong đó có 63 tổ chức sự nghiệp công lập, 17 doanh nghiệp, 64 tổ chức thuộc công ty thí nghiệm điện (không kinh doanh điện). Công ty CP Cơ điện-Điện lực Đồng Nai là một trong số đó.

Ông Lê Văn Cường - Quản đốc phân xưởng Kiểm tra kiểm định, Công ty CP Cơ điện-Điện lực Đồng Nai cho biết, việc kiểm định chất lượng các công tơ điện đều được thực hiện bằng máy móc và chỉ có cho hai kết quả rõ ràng là đạt và không đạt. Bất cứ cá nhân nào muốn cũng không thể can thiệp để làm sai kết quả. Trước khi xuất xưởng, những công tơ đạt chất lượng được kẹp chì niêm phong và dán tem kiểm định.

Theo số liệu của EVN, hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện nhưng mới có 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Như vậy, gần một nửa số hộ trên cả nước vẫn được theo dõi bằng công tơ cơ - thiết bị cần sự can thiệp của con người nên vẫn có thể sai sót. Để minh bạch chỉ số tiêu thụ điện, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ngành điện đang đẩy nhanh việc thay thế công tơ điện tử. Lộ trình từ nay đến năm 2025, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và địa bàn quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ được thay thế bằng 100% công tơ điện tử. Điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ thay thế 100% công tơ điện tử ở các thành phố, thị xã, các khu vực khác là 50%.