Máy hút khói, quạt hút mùi - thủ phạm gây cháy tại các nhà hàng

Nhiều quán ăn, nhà hàng chỉ chú tâm phục vụ khách mà quên công tác phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn. Chỉ đến khi xảy cháy mới đặt câu hỏi tại sao có thể cháy được từ máy hút khói, quạt hút mùi… 
Hiện trường vụ cháy tại quán đồ nướng Hàn Quốc, trên phố Hai Bà Trưng

 Thống kê của Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 447 vụ cháy, trong đó cháy lớn 4 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 7 vụ. Hậu quả 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước khoảng 315 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy tăng 50 vụ. Trong số các vụ cháy có gần 10 vụ cháy tại các nhà hàng, quán nhậu do chập điện, cháy quạt hút mùi, hay lửa bén từ máy hút khói.

Tại sao nhà hàng, quán ăn dễ xảy cháy?

Tại sao quạt hút mùi và máy hút khói lại là nguyên nhân gây hỏa hoạn và câu hỏi đặt ra là ngay cả khi máy móc không hoạt động, khách đã ra về, chủ nhân lên giường ngủ thì “bà hỏa” mới viếng thăm? Điển hình là vụ cháy xảy ra tại quán bán đồ nướng Hàn Quốc trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội vào tháng 10-2016, thiêu rụi toàn bộ khu bếp. Rất may lực lượng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm có mặt kịp thời dập tắt đám cháy ngay sau đó, nên không có thiệt hại về người. 

Trước đó, vào tháng 8-2016, quán Beer - Club Vuvuzela tại đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng phát cháy, lửa đã thiêu rụi toàn bộ tài sản. Điều đáng nói, thủ phạm gây cháy hai quán trên đều xuất phát từ quạt hút mùi. Trong hồ sơ khám nghiệm hiện trường các vụ cháy nhà hàng, quán ăn đều chỉ rõ: quạt hút mùi hoạt động trong nhiều tháng không bảo dưỡng lau chùi.

Tàn dư cháy các lớp mỡ động vật, dầu bám dày đặc lên thành ống hút mùi và mô tơ quạt. Sự hoạt động của động cơ điện cuốn theo dầu mỡ động vật, cùng với đó các mô tơ hoạt động hết công suất, trong thời gian dài đã bị om điện và khi gặp dòng điện không ổn định gây chập cháy. 

Đại diện Chỉ huy Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội khuyến cáo: “Việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đường điện, hệ thống quạt hút mùi, hút gió là biện pháp cần thiết, hiệu quả trong phòng ngừa cháy, nổ. Đối với nhà hàng, trước khi đưa vào sử dụng, kinh doanh cần nâng cấp hệ thống điện cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Điều quan trọng là phải trang bị hệ thống PCCC, bình chữa cháy xách tay, tập huấn PCCC cho nhân viên, nhà hàng xử lý tình huống, kỹ năng PCCC, thoát nạn an toàn nếu xảy cháy”. 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội phân tích: “Quán ăn, nhà hàng có nguy cơ xảy cháy cao do nhu cầu sử dụng điện ở những nơi này luôn quá tải dây dẫn. Tình trạng này âm ỉ trong thời gian dài đã om đường dây và dẫn đến chập cháy. Đối với hệ thống quạt hút mùi cũng vậy, do hoạt động lâu ngày bị dầu mỡ bám vào, khi bật quạt nhưng không hoạt động được vẫn không biết. Đến khi đóng cửa hàng, dòng điện đêm mạnh đã làm mô tơ quạt chập cháy gây hỏa hoạn. Khi quạt thông gió, hút mùi bị cháy thì lửa lan rất nhanh bởi lượng dầu mỡ trong đó bắt lửa không khác gì nhiên liệu xăng”.

Cháy do “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Có hàng nghìn nguyên nhân gây hỏa hoạn, song đối với những nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội thì sự thiếu đồng bộ trong xây dựng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hay các thiết bị điện khác là nguyên nhân chính. Cùng với đó là ý thức về PCCC của chủ quán, của khách hàng chưa cao cũng là nguy cơ của hỏa hoạn.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 1 - Hoàn Kiếm cho hay: “nhiều quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội thuê nhà của người dân để mở quán, trong khi quán ăn bao giờ cũng là nơi tập trung đông người. Việc này rất nguy hiểm, bởi nhà ở gia đình chuyển sang hoạt động nhà hàng thì không thể đảm bảo PCCC”.

Cũng theo phân tích của Đại tá Trần Văn Vụ, các hệ thống điện của gia đình tối đa chỉ đáp ứng được cho máy lạnh, quạt, bếp, tủ lạnh. Còn nhà hàng phải sử dụng hàng trăm thiết bị khác, với công suất gấp 50 lần hạ tầng đang có, nên gây ra quá tải dẫn đến chập cháy. Theo quy định về PCCC đối với các nhà hàng, quán ăn phải có đầy đủ phương tiện, hệ thống PCCC và quan trọng hơn, đối với những người làm bếp, chịu trách nhiệm kỹ thuật phải có kiến thức PCCC và phải được cấp chứng chỉ qua lớp tập huấn PCCC.

Thế nhưng, hầu hết các quán đều không tuân thủ các quy định trên. Mặc dù vậy, những vi phạm về PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán ăn vẫn diễn ra bởi những sai phạm này chỉ bị xử phạt hành chính ở mức nhẹ, nên không đủ sức răn đe. 

Theo Theo An ninh thủ đô