Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, ông Vi Văn Định, Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Đàn cho biết, vào khoảng 12 giờ trưa nay, một chiếc máy bay quân sự đã bị rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn.
13h: Ông Phan Phúc Phú, Bí thư xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn cho biết, hiện tại thời tiết tại hiện trường máy bay rơi đang mưa rất to, địa hình hiểm trở, lầy lội rất khó khăn trong công tác tiếp cận hiện trường.
Ông Phú thông tin, trên máy bay có 2 người. UBND xã đã huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ công tác cứu nạn.
13h30: Theo báo điện tử VietNamnet, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4 trưa nay cũng xác nhận có vụ việc máy bay rơi, và Quân khu đã tiếp nhận thông tin này.
"Qua xác minh ban đầu, chiếc máy bay bị rơi không phải thuộc quản lý của Quân khu 4 mà thuộc đơn vị Phòng không - Không quân", ông Cương nói.
14h05: Theo báo điện tử VietNamnet, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, cho biết, ông vừa nhận thông tin bên Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo, máy bay quân sự Su-22 bay huấn luyện theo kế hoạch thường xuyên, xảy ra mất an toàn bay. Hiện Quân chủng đang điều tra và khắc phục hậu quả.
Khi xảy ra sự việc, trên máy bay có 2 phi công huấn luyện.
14h15: Ông Trương Thanh Hoài, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Đàn cho biết: thông tin ban đầu máy bay rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ diễn tập. Theo nhận định, trên máy bay có khoảng có 3 người. Gồm 1 lái chính, 1 lái phụ và 1 kỹ thuật. "Theo nhận định các chuyên gia máy bay chiến đấu diễn tập thường có 3 người", ông Hoài nói.
14h30: Thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng cho biết, lúc 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11h35 phút.
Thông tin ban đầu, máy bay rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh 1972. Quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phôi hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Thành lập ngày 3/2/1964, trung đoàn 921 (còn gọi là Đoàn không quân Sao Đỏ) là lực lượng chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam. Từ một đơn vị huấn luyện và tác chiến với dòng máy bay MiG có trọng lượng nhỏ, khả năng mang theo vũ khí ít, bán kính tác chiến hẹp, đến nay trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su hiện đại, có khả năng mang theo vũ khí đa dạng và bán kính tác chiến rộng hơn.
14h40: Ông Ngô Trọng Nghĩa - Trưởng công an xã Nghĩa Yên cho biết: Tại hiện trường máy bay rơi tan tác, các mảnh vỡ của máy bay vung vãi khắp nơi nằm trong bán kính 40m.
Hiện tại lực lượng quân sự huyện phối hợp với công an huyện lập hàng rào cách hiện trường 50m để bảo vệ khu vực máy bay rơi và thu gom các mảnh vỡ.
15h15: Trên đường vào hiện trường tập trung rất nhiều xe chuyên dụng cứu hộ, và xe quân đội. Nhiều người dân hiếu kỳ cũng đang tìm cách vào hiện trường vụ rơi máy bay Su-22.
15h25: Ông Chu Văn Sáu, một người dân chứng kiến vụ tai nạn cho biết, khoảng 11h30, máy bay bốc cháy và lảo đảo trên không nhiều vòng.
Su-22 là mẫu cường kích được Liên Xô cải tiến trên nền tảng tiêm kích bom cánh cụp cánh xòe Su-17. Kế thừa thiết kế này và được trang bị động cơ phản lực Lyulka AL-21F-3, cường kích Su-22 có thể hành trình ở vận tốc siêu thanh ngay cả khi ở tầm thấp và đạt vận tốc 2082 km/h ở tầm cao với đôi cánh cụp vào.
Su-22 có tầm hoạt động xa hơn, được vũ trang mạnh hơn với hai pháo Nudelman 23 mm cùng 10 giá treo để mang hai tên lửa không đối không tầm nhiệt cùng lượng bom gấp đôi Su-17. Vũ khí phổ biến của Su-22 là các loại bom không dẫn đường và rocket.
(tiếp tục cập nhật)