Anh Nicolas, một trong những thành viên thuộc đoàn chuẩn võ sư Pierre Francois Flores phái Vịnh Xuân Nam Anh, cho biết: "Các võ sinh Việt Nam trong lớp Karate tối qua đã cho thấy sự gan dạ đáng khen. Cách họ giao đấu mà hệt những mãnh hổ không lùi bước".
Về phần chuẩn võ sư Pierre Francois Flores, ông dùng chữ "dũng cảm" để mô tả những môn sinh Karate Shorin-ryu giao đấu mà không cần dụng cụ bảo hộ. Cách thức giao đấu này cũng là nét đặc trưng của hệ phái Karate Shorin-ryu được Chưởng môn Cù Mai Công trực tiếp giảng dạy.
Theo võ sư Công, giao đấu không dụng cụ bảo vệ phần nào hơi nguy hiểm, tuy nhiên rèn luyện cho môn sinh sự dũng cảm, gan dạ và không lùi bước. Ông kể thêm chuyện các môn đồ dính chấn thương trong thực chiến là điều bình thường, song mọi học viên đều thích thú cách huấn luyện này.
"Sân võ chúng tôi tập đấu không giáp là tiếp nối luật đấu không giáp từ các bậc tiền bối từ khi khai môn ở Việt Nam vào năm 1957. Ý đồ của việc này nằm trong đào tạo 60 năm nay của môn phái: không chỉ tập võ thuật mà còn rèn luyện sức chịu đựng cơ thể (nôm na là lì đòn), phù hợp với thực tế cuộc sống: chịu đựng, làm quen với những đòn tấn công của bên kia", võ sư Công giải thích.
Sau này, để hạn chế rủi ro trong lúc giao đấu, Chưởng môn Công quy định các môn đồ chỉ được phép đánh từ vùng cằm trở xuống. Và để tổ chức những màn song đấu không giáp, sân võ phải đủ khả năng cấp cứu, chữa, làm hồi tỉnh (kuatsu) những ca chấn thương. Vì vậy, khi không có mặt chưởng môn, sân võ không bao giờ tổ chức giao đấu.
Cạnh đó, Chưởng môn Karate Shorin-ryu Việt Nam cũng giải thích thêm chuyện đấu không giáp đã tồn tại trong nhiều bộ môn võ thuật trên thế giới, với hai luật đấu cơ bản: No-contact (dừng đòn) như Karatedo Shotokan, Taekwondo... và "full-contact" (không dừng đòn) như một số hệ phái Karate: Shorin ryu, Kyokushin...