Malaysia có thể là quê hương của biến chủng SARS-CoV-2 siêu lây nhiễm mới

TPO - Theo các nhà virus học, trong khi Bộ Y tế Malaysia đang tập trung vào các biến chủng SARS-CoV-2 nhập khẩu đáng lo ngại, đặc biệt là B1617 đáng sợ từ Ấn Độ, các biến chủng địa phương không xác định có thể là nguyên nhân thúc đẩy làn sóng nhiễm COVID-19 hiện nay.
Một hoặc một số biến chủng SARS-CoV-2 siêu lây nhiễm xuất hiện tại Malaysia gần đây.

Giáo sư Tiến sĩ Sazaly Abu Bakar, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Các bệnh Truyền nhiễm Nhiệt đới của Đại học Malaya, cho biết cơ sở này đã xác định được hai biến chủng virus tiềm ẩn tại địa phương gần đây. Và đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ông nói: "Hiện tại, các biến chủng mới là loại đột biến kép của Ấn Độ, nhưng có khả năng là một biến thể mới đang thúc đẩy sự bùng phát hiện tại".

Ông cho biết thêm, dựa trên số ca mắc mới ngày càng tăng, khả năng lây nhiễm ngày càng tăng và tốc độ lây truyền cao hơn... có thể xuất hiện một hoặc nhiều biến chủng địa phương.

Về khả năng có một số chủng địa phương, đặc biệt là các biến thể từ khu vực Sabah và Sarawak hiện đang được lưu hành, ông cho biết điều này dựa trên kho dữ liệu trình tự gene được cung cấp bởi Viện Y tế Unimas và Giám đốc Y học Cộng đồng.

Tuy nhiên, Sazaly cho biết sự hiện diện của các ổ dịch siêu lây nhiễm trong các nhà tù và trung tâm giam giữ trên toàn quốc, cụ thể là Sivagangga và các cụm liên quan ở Kedah, cũng như sự bùng nổ ca nhiễm COVID-19 ở Pasai gần đây ở Sarawak, càng chứng tỏ rằng virus có khả năng chịu đựng và sinh sôi cao hơn.

Sazaly cho biết mặc dù virus đã có tiến hóa, nhưng cơ quan y tế Malaysia vẫn chưa công bố kết quả nghiên cứu bộ gene.

Sazaly nói: “Chúng ta đang đấu tranh và chúng ta không biết kẻ thù của mình trông như thế nào, vì vậy chúng ta sẽ nổ súng trong bóng tối bởi vì một năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu và nghiên cứu về các mẫu virus địa phương. Cách duy nhất để Malaysia giành chiến thắng là ghi một bước đột phá trong điều trị và điều này không thể được thực hiện nếu không đặt virus dưới kính hiển vi ".

Ông nói về mặt khoa học, đây là bước hợp lý đầu tiên đảm bảo các nguồn lực cần thiết được bơm vào.

Ông cho biết nếu Bộ Y tế Malaysia phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực trong việc thực hiện giải trình tự bộ gene, cộng đồng khoa học của Malaysia, đặc biệt là từ các viện hàn lâm và liên minh y tế, sẵn sàng giúp đỡ.

Báo chí Malaysia đưa tin, nước này đã gửi 674 mẫu gene COVID-19 trên nền tảng chia sẻ dữ liệu influenza, nhưng người ta không biết có bao nhiêu trong số 400 trình tự gene là các chủng địa phương.

Nhà virus học, Tiến sĩ Chee Hui Yee cho rằng, không nên chỉ căn cứ vào các biến thể nhập khẩu vì mức tăng đột biến gần đây gợi ý về một chủng mới.

Tiến sĩ Chee cũng cho biết, việc giải trình tự gene là một công việc chậm chạp, tốn nhiều công sức và có thể kéo dài khoảng một tuần. Chỉ riêng việc chuẩn bị đã mất bốn ngày, trong khi việc giải trình tự mất khoảng 24 giờ và hai ngày nữa để phân tích dữ liệu.

"Một chuyên gia có thể làm khoảng 20 mẫu trong một tuần. Chúng tôi cũng có một số chuyên gia, máy móc và phần mềm để sử dụng", TS Chee cho biết thêm.

Bà cũng cho biết năng lực của Malaysia trong lĩnh vực này tụt hậu so với các quốc gia tiên tiến khác, trong khi Vương quốc Anh có hẳn một nhóm chuyên nghiên cứu bộ gene COVID-19.

"Hầu hết các khoản tài trợ của chúng tôi đều dành cho vắc-xin. Đất nước sẽ chủ động hơn nếu được phân bổ nhiều vốn hơn vào công tác giải trình tự bộ gene bởi vì bước đột phá lớn tiếp theo trong tiêm chủng, điều trị và hiểu biết về virus sẽ đến từ đây", TS Chee nói .

Phó giáo sư từ Đại học Putra Malaysia cho biết, hiểu biết tốt hơn về virus thông qua giải trình tự bộ gene sẽ cho phép các nhà chức trách xác định nguồn gốc của làn sóng nhiễm COVID-19 hiện nay và thu thập dữ liệu cần thiết cho mục đích phát triển vắc xin.

Theo New Straits Times