Lý giải nguồn cung bất động sản khan hiếm

Khác với mọi năm, thời điểm cuối năm 2018, gần như các doanh nghiệp bất động sản lớn đều "án binh bất động". Ngoài những dự án đang triển khai, gần như không có dự án nào được tung ra thị trường. 
Ảnh minh họa.

Thiếu nguồn cung trầm trọng

Thời điểm cuối năm thường được gọi là mùa của bất động sản vì đây là thời điểm ngành bất động sản "ăn nên làm ra" với hàng loạt dự án mới tung ra thị trường. Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay, dù nhu cầu khá cao nhưng nguồn cung tương đối hạn chế. Nhiều thương hiệu lớn như Novaland, Đất Xanh, LDG Group, An Gia… cũng không thấy tung ra các sản phẩm mới.

Thị trường khu Bắc Sài Gòn sôi động trong 6 tháng đầu năm thì đến nửa cuối năm nay không khí trái ngược hoàn toàn. Nhiều dự án dự kiến tung ra trong đợt cuối năm vẫn chưa có động tĩnh.

Nguồn cung nhà ở thiếu trầm trọng khiến cho các dự án tăng giá mạnh. Nhiều dự án công bố đầu năm chỉ khoảng 18 triệu/m2 đã tăng lên 21 triệu/m2. Thậm chí, có dự án giá bán giai đoạn 1 là 23,5 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 30 triệu/m2.

Việc khan hiếm nguồn cung dẫn đến việc tăng giá này có lợi cho người mua nhà giai đoạn trước nhưng lại là khó khăn cho người mua nhà trong giai đoạn này.

Khó khăn và vướng mắc

Theo ông Nguyễn Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung sụt giảm, trong đó, ngoài các yếu tố về đền bù giải tỏa và hạn hẹp quỹ đất thì nhiều các yếu tố khác được ông nêu ra.

Theo ông Châu, từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng chỉ chấp thuận 23 dự án được phép chuyển nhượng. Bên cạnh đó, nhiều dự án không thể xây dựng vì vướng mắc thủ tục và thời gian cấp phép. Thậm chí, nhiều dự án đã xây dựng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu để mở bán.

Đặc biệt, vướng mắc về việc chuyển đổi các loại hình đất ở thành đất dự án cũng gây ra không ít khó khăn khiến doanh nghiệp khó có thể triển khai dự án mới và làm giảm nguồn cung cho thị trường.

Đơn cử một vài trường hợp, dự án Akari của Nam Long được công bố ra thị trường từ cuối quý 3 nhưng đến nay vẫn chưa thể mở bán vì còn vướng mắc nhiều thủ tục theo quy định. Hai dự án khác nằm tại khu vực quận 8 là High Intela và West Intela của công ty Nam Sài Gòn (công ty con của LDG Group) cũng vướng mắc nhiều thủ tục về xây dựng khiến cho việc mở bán dự án bị chậm trễ phải dời ngày mở bán và ký kết hợp đồng với khách hàng.

Hệ lụy và phương án tháo gỡ

Ông Châu chia sẻ: "Nếu không tháo gỡ được vấn đề này thì năm 2019, thị trường bất động sản sẽ đối mặt với thách thức lớn là nguồn cung dự án sụt giảm mạnh. Kéo theo nhiều hệ lụy khác mà tôi cho rằng chúng ta phải vượt qua".

Một chuyên gia trong ngành bất động sản cho biết nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với việc khiếu nại, phản ứng của khách hàng về việc chậm trễ mở bán. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn hàng sẽ làm phá vỡ đội ngũ nhân sự và khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng chi phí trả lương nhưng thiếu doanh thu do không đủ nguồn hàng. Ngoài khách hàng thì các doanh nghiệp môi giới cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những khó khăn này.

Tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản 2018 diễn ra vào ngày 7/11 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cùng các lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đã lắng nghe các doanh nghiệp bất động sản nêu ra nhiều bức xúc liên quan đến hoạt động cấp phép, và triển khai các dự án. Đồng thời, ông cam kết sẽ tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền.