Lý giải bất ngờ chuyện thu phí làm căn cước vượt quy định ở Hưng Yên

TP - Nhiều người dân tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên đi làm căn cước công dân gắn chíp bị thu phí chênh lên nhiều lần so với quy định và không ghi phiếu thu đưa lại cho người dân. Công an địa phương lý giải số tiền chênh là tiền chuyển phát nhanh để chuyển trả thẻ căn cước.
Cảnh người dân nộp phí cao hơn quy định khi làm căn cước công dân gắn chíp tại xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên)

Theo phản ánh của bạn đọc, tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang nhiều ngày qua, trong quá trình làm căn cước gắn chip (thay thế CMTND và căn cước cũ), người dân bị thu phí cao hơn nhiều lần quy định. Khảo sát của phóng viên cho thấy, sau khi được thông báo, người dân các thôn trong xã lần lượt cầm giấy tờ tùy thân ra đăng ký làm tại Trung tâm văn hóa của xã Mễ Sở. Trong hội trường, hàng trăm người dân ngồi đợi phía dưới. Trên sân khấu, lực lượng công an sắp xếp từng khu vực: đăng ký, khai, lăn vân tay, chụp ảnh và nộp lệ phí.

Tại khu vực thu lệ phí, người phụ nữ không mặc sắc phục trên tay cầm xấp tiền lớn liên tục hướng dẫn người dân ký, ghi số điện thoại cá nhân và yêu cầu nộp tiền. Mức phí trung bình mà người dân đến chuyển hoặc thay thế chứng minh nhân dân 9 số là 45.000 đồng/căn cước gắn chíp. Cá biệt, có trường hợp bị thu đến 65.000 đồng/căn cước. Theo quan sát, nhiều người nộp tiền xong có hỏi nữ cán bộ này giấy tờ, phiếu thu nhưng đều không có.

Thông tư 112/2020/TT-BTC (quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19) quy định, trước ngày 30/6/2021, lệ phí cấp căn cước công dân (trước ngày 30/6/2021) được giảm 50% mức thu lệ phí quy định. Tức là người dân chuyển từ chứng minh nhân dân (loại 9 số và 12 số) sang thẻ căn cước công dân mất 15.000 đồng/căn cước; đổi thẻ căn cước công dân; thay đổi thông tin mất 25.000 đồng/căn cước; cấp lại căn cước công dân (khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam) mất 35.000 đồng/căn cước.

Theo phản ánh của người dân, trong mấy ngày qua đã có hàng nghìn người dân trong xã Mễ Sở đến làm căn cước gắn chip cùng chung tình trạng trên. Nhiều trường hợp khi phát hiện thông tin trên căn cước mới bị sai sót đã yêu cầu sửa cũng bị mất phí 20.000 đồng/lần sửa. “Nhà tôi có 3 người đi làm căn cước gắn chíp hết 195.000 đồng, cộng thêm 20.000 đồng nộp để sửa thông tin của mẹ tôi”, một người dân thôn Phú Trạch cho biết. Tình trạng trên cũng xảy ra tại thôn Hoàng Trạch (cùng trong xã Mễ Sở, đã hoàn thành cấp đổi căn cước công dân gắn chíp) mức thu áp dụng với từng hộ, cá nhân khác nhau (dao động từ 45.000-65.000 đồng/căn cước).

Được biết, xã Mễ Sở có hơn 10 nghìn nhân khẩu. Trong đó, Hoàng Trạch và Phú Trạch là hai thôn có lượng nhân khẩu lớn trong xã đã và đang được triển khai cấp căn cước gắn chíp.

Cảnh người dân nộp phí cao hơn quy định khi làm căn cước công dân gắn chíp tại xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên)

Thu chênh để… trả cước bưu điện?

Trưởng Công an xã Mễ Sở Chu Ngọc Quân cho biết, công an xã nắm được thông tin trên vì có người gọi điện đến hỏi hoặc về thắc mắc với trưởng thôn.

Ông này nói rằng, việc thu thêm 30.000 đồng/căn cước là chi phí trả cho bưu điện để trả kết quả đến tận tay người dân. Các trường hợp thu 65.000 đồng/căn cước có thể là nhầm lẫn do người dân nóng vội muốn về hoặc có quá đông người đến làm nên người thu tiền vội (?) “Người thu tiền phí là cán bộ bưu điện, thu xong họ sẽ bàn giao phí làm căn cước lại. Việc này thực hiện theo ký kết giữa công an tỉnh và bên bưu chính viễn thông. ”, ông Quân nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Tư xác nhận có việc hợp tác giữa cơ quan công an và bưu điện. Tuy nhiên, chỉ người nào có nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát thì mới đăng ký, không bắt buộc. Ngoài ra, bảng giá dịch vụ bưu điện được yêu cầu trưng ngay tại bàn đăng ký tiếp nhận để người dân nắm được.

Ông Tư cho biết, trong phần dịch vụ liên quan bưu điện, sẽ kiểm tra và xử lý, sớm phản hồi đến báo Tiền Phong.

Hiện tại nhiều người dân cho hay, họ không được biết khoản nộp thêm là khoản tiền chuyển phát nhanh; nhân viên bưu điện cũng không mặc đồng phục của bưu điện theo quy định, không trả phiếu thu... Người dân muốn làm rõ số tiền chênh mà họ đã phải nộp.