Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, lý do Tổng thống Donald Trump không đến Hội nghị EAS vì các sự kiện được tổ chức ở Manila muộn hơn kế hoạch ban đầu đến 90 phút. Vị này nói: "Do Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra quá muộn. Các cuộc họp ở Manila đã chậm hơn khoảng 90 phút so với lịch trình".
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết quyết định không tham dự Hội nghị EAS của Tổng thống Trump chỉ là do “vấn đề lịch trình”, chứ không phải do lãnh đạo Mỹ không quan tâm nhiều đến khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, giảm bớt sự can dự của Mỹ vào châu Á để tập trung ưu chiến chính sách "Nước Mỹ trên hết" mới là nguyên nhân chính khiến ông Trump đột ngột hủy bỏ tham dự Hội nghị EAS vào phút chót.
Theo đánh giá của ông Lưu Vệ Đông, chuyên gia về các vấn đề Mỹ, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc: việc hủy bỏ tham dự Hội nghị EAS vào phút chót cho thấy các vấn đề châu Á chỉ ở mức thấp trong chương trình nghị sự ngoại giao của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng bất chấp sự thờ ơ của ông Trump, đội ngũ cố vấn với quyền uy mạnh mẽ ở Washington sẽ thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ duy trì sự hiện diện ở khu vực. Chuyên gia này nhận xét: “Ông Trump chỉ quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn, nhưng đội ngũ cố vấn quyền uy này sẽ không cho phép ông rút Mỹ khỏi châu Á.
Theo ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nhận định: Tổng thống Trump không tham dự Hội nghị EAS có lẽ bởi ông không nghĩ rằng Mỹ có thể có lợi ích từ các quan hệ chặt chẽ với các quốc gia liên quan tham dự Hội nghị.
Ngoài ra, cũng có phân tích cho rằng, ông Trump đột ngột rút khỏi Hội nghị EAS là do không bằng lòng với những phát biểu của Tổng thống Philipines Duterte khi cho rằng sự giúp đỡ của Nga và Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc giao tranh với lực lượng phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi.
Trước đó, trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng hôm 10/11, Tổng thống Duterte đã cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời của Nga bổ sung các phương tiện cơ giới và vũ khí cho nước này thời gian qua, đặc biệt khi quân đội Philippines phải đối phó với khủng bố tại thành phố Marawi. Trong đó đã có 5.000 khẩu súng trường Kalashnikov và 20 xe tải quân sự được Nga gửi đến Philippines.
Với việc đột ngột bỏ cuộc họp EAS, ông Trump đã một lần nữa làm dấy lên hoài nghi về cam kết của chính quyền Washington đối với khu vực. Động thái này của ông Trump là sự tương phản rõ nét với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, vốn thường trấn an các đồng minh về cam kết của Washington trong khu vực thông qua chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.