Lý do Mỹ chi tiền 'khủng' cho công nghệ mới nổi

TP - Mỹ dự kiến rót gần 250 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bán dẫn và một số ngành khoa học khác trong 5 năm tới. Quan tâm hơn đến các công nghệ mới nổi, đặc biệt là bán dẫn, Washington không chỉ muốn làm chủ mà còn muốn độc quyền tương đối về công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ, đồng thời hạn chế sức mạnh, tầm ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh.

Để làm điều này, Mỹ huy động sự tham gia của 3 bộ, gồm Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

R&D tụt hậu và số tiền kỷ lục

Có tới 85% tăng trưởng năng suất ở Mỹ đến từ những tiến bộ công nghệ. Một phần lớn trong số này đến từ quan hệ đối tác giữa chính phủ liên bang và khu vực tư nhân. Cạnh tranh toàn cầu về công nghệ ngày càng tăng, trong khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ tính theo phần trăm GDP gần mức thấp nhất trong 60 năm. Trong khi đó, sự thiếu hụt chip trong đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc sản xuất nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại…

Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022, Mỹ muốn trở lại vị trí thống trị ngành sản xuất chip

Ảnh: AP

Ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022, nhằm nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn của Mỹ và hợp tác với các đồng minh mạnh về chip để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn thực sự mạnh. Ban đầu, dự luật dự kiến được rót 52 tỷ USD, nhưng khi được thông qua, số tiền đầu tư ước tính lên tới gần 250 tỷ USD, để nghiên cứu, phát triển bán dẫn và một số ngành khoa học khác trong 5 năm. Đây là chương trình R&D lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ (không tính các chương trình bí mật). Với đạo luật này, Mỹ muốn trở lại vị trí thống trị ngành sản xuất chip.

Cụ thể, Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022 có 2 mục tiêu chính. Một là, thực hiện các chương trình đã được phê chuẩn trước đó trong khuôn khổ Đạo luật CHIPS dành cho nước Mỹ năm 2021. Hai là, phê chuẩn một chương trình R&D 5 năm (chương trình công khai) lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tháng 1/2021, Quốc hội Mỹ phê chuẩn Đạo luật CHIPS dành cho nước Mỹ năm 2021, cho phép Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ phát triển ngành sản xuất bán dẫn nội địa đang lao dốc (năm 2021, chỉ có 12% chip được sản xuất ở Mỹ, trong khi tỷ lệ này là 37% trong những năm 1990).

Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022 cũng có điều khoản ngăn cản những đối tượng nhận ngân sách liên bang xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn hiện đại ở các quốc gia có mối quan ngại về an ninh quốc gia, như Trung Quốc. Các công ty nước ngoài nếu nhận trợ cấp Mỹ thì không được đầu tư mới hoặc tăng cường cơ sở sản xuất ở Trung Quốc trong 10 năm.

Các chương trình cụ thể

Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022 liệt kê một số chương trình cụ thể. Có tới 39 tỷ USD sẽ được chi cho Sáng kiến sản xuất của Bộ Thương mại để xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và thiết bị phục vụ việc chế tạo bán dẫn, lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói hiện đại và R & D. Trong khi đó, 2 tỷ USD sẽ được rót cho Bộ Quốc phòng để triển khai Microelectronics Commons - một mạng lưới quốc gia để tạo mẫu trên đất Mỹ, dựa vào các trường đại học, đưa công nghệ bán dẫn, bao gồm các ứng dụng độc đáo của Bộ Quốc phòng, từ phòng thí nghiệm sang nhà máy sản xuất, và để đào tạo lực lượng lao động trong ngành bán dẫn.

Ngoài ra, 500 triệu USD sẽ “chảy” sang Bộ Ngoại giao (phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ) để hỗ trợ bảo mật công nghệ thông tin và truyền thông cho các nước và các hoạt động trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm hỗ trợ phát triển và áp dụng các công nghệ viễn thông an toàn và đáng tin cậy, chất bán dẫn và các công nghệ mới nổi khác. Trong khi đó, 1,5 tỷ USD sẽ được rót cho Cơ quan Quản lý Thông tin và Viễn thông Quốc gia (phối hợp với Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia, Bộ An ninh Nội địa và Giám đốc Tình báo Quốc gia…) để thúc đẩy chuyển động hướng tới các công nghệ không dây dựa trên phần mềm, kiến trúc mở và tài trợ cho các công nghệ sáng tạo, “đi trước đón đầu” trong thị trường băng thông rộng di động của Mỹ.

Tháng 3/2022, chính phủ Mỹ đề xuất thành lập Chip 4 - liên minh công nghiệp bán dẫn với 3 đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).