Ông Tường cho biết, tốc độ tăng trưởng quý II đạt 5,87%, tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,16%, công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%, dịch vụ tăng 7,16%. Qua đó đưa tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của TPHCM ước tăng 3,55%, cao hơn 1,47 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Phân tích nguyên nhân của sự tăng trưởng trên, ông Trần Phước Tường cho hay, cả 3 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp, xây dựng đều tăng trưởng âm, nhưng qua tháng 4 đã có dấu hiệu tăng trưởng khá. Tính chung 5 tháng đầu năm, công nghiệp thành phố ước tăng 1,51%, tăng 5,45% so với cùng kỳ, góp thêm nguồn lực vào việc phục hồi kinh tế.
Lãnh đạo Cục Thống kê thành phố nói thêm, sau đại dịch, việc mua bán qua kênh thương mại điện tử tăng trưởng rất tốt. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao một số trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm thời gian qua khá thưa vắng. Mặt khác có thông tin các chuỗi bán lẻ như Vạn Hạnh Mall hay Aeon đang có chủ trương tiếp tục đầu tư mở rộng một số cơ sở để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đa dạng của người dân.
Một yếu tố thuận lợi khác là sau đại lễ 30/4 tình hình dịch bệnh đã không diễn biến phức tạp, giúp tâm lý người dân cũng tốt hơn trong tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng đã tụt xuống so với đầu năm, qua đó kéo tăng GRDP.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM khẳng định, môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố đã được cải thiện. Theo đó, 5 tháng đầu năm thành phố có 18.630 doanh nghiệp thành lập mới và 6.459 doanh nghiệp trở lại hoạt động, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và người kinh doanh qua việc trở lại làm ăn, kinh doanh.
Cùng đó, FDI vào thành phố cũng tăng đáng kể, khi 5 tháng đầu năm đã có 374 dự án FDI được cấp mới, tăng đến 60,5% so với cùng kỳ.
Một nguyên nhân tác động rất lớn đến tăng trưởng quý II là công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khởi sắc. Theo ông Tường, trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã thực hiện giải ngân đạt 9,4% theo kế hoạch Thủ tướng giao. “Trong giai đoạn khó khăn này, việc giải ngân chuyển biến khởi sắc là một động lực tích cực cho nền kinh tế”, ông nói và nhìn nhận, những điểm sáng trên một mặt cũng đến từ những nỗ lực điều hành, tháo gỡ từ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành dành cho thành phố.
Nói về lý do vì sao các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn chưa phục hồi mà kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng, ông Trần Phước Tường cho hay, ngoài chú trọng xuất khẩu, thành phố cũng còn đó một thị trường nội địa rất tốt.
“TPHCM là trung tâm, đầu mối giao thương, mức bán lẻ chỉ thể hiện một phần của thương mại, trong khi đó bán buôn là “tảng băng chìm” rất lớn (chiếm 65-70% tổng doanh thu thương mại) và yếu tố này thực sự là đóng góp lớn cho GRDP, đồng thời thành phố cũng phát huy tốt nguồn lực này”, ông Tường cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, dù mức tăng trưởng quý II/2023 tăng 5,87% (so với quý I chỉ 0,7%) nhưng tính trên bình diện tăng trưởng chung của cả nước thì chỉ số tăng trưởng vừa qua của TPHCM vẫn ở nhóm trung bình thấp, đặc biệt khi so sánh với nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vùng Đông Nam Bộ…