Lưu học sinh Việt Nam kể về động đất ở Trung Quốc

TPO - Phan Hoàng Nam - Sinh năm 1985, nghiên cứu sinh năm thứ 2, thuộc Khoa Quy hoạch và Quản lý giao thông của Đại học Giao thông Tây Nam (ĐHGTTN) tại Thành Đô kể lại với PV Tiền phong về thảm họa khủng khiếp này.

>> Ba ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân động đất
>> 32.500 người chết trong trận động đất tại Tứ Xuyên
>> Dư chấn mạnh 6,1 độ richters lại xuất hiện tại Tứ Xuyên

1 giờ sáng 17/5, tôi vào  mở hộp hội thoại Yahoo Messenger (YM) mới thấy nick của Phan Hoàng Nam hiện lên với dòng chữ Nam đề ở staus: Tình nguyện lên Wenchuan.

Nam giải thích: Nhóm lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường ĐH tại Thành Đô xung phong lên huyện Văn Xuyên, vùng xảy ra tâm chấn của động đất (cách Thành Đô 80 km), nhưng rất tiếc không được vì là người nước ngoài nên nhà chức trách ở đây không cho. Rồi Nam kể về thảm họa ấy diễn ra ở Thành Đô…

Hỗn loạn Thành Đô

Khi ấy, là 14 giờ 28 phút ngày 12/5, Nam đang trên đường đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh nằm trong khu vực Sở Cảnh sát thành phố Thành Đô để xin visa về lại Việt Nam công tác.

Khi đi ngang khu vực Ngân hàng Công thương Trung Quốc ở Quảng trường Quân đội thành phố thì bất ngờ mặt đất rung dữ dội. Sau đó Nam nghe nhiều tiếng loảng choảng của cửa kính vỡ rơi trên mặt đường, từng nhóm người từ một số tòa nhà cao tầng (khoảng hơn 40 tầng) lao ra ngoài la lớn tạo thành âm thanh và cảnh hỗn loạn.

Cơn địa chấn đợt 1 này kéo dài chừng 80 giây thì kết thúc nhưng mọi hoạt động của Thành Đô nhanh chóng bị tê liệt. Điện cúp, hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông tắt và hơn 2.200 trạm phát sóng điện thoại di động cũng ngưng hoạt động.

Mặc dù thời điểm này, Thành Đô Đô đã triển khai hoạt động hệ thống định vị GPS, song chẳng làm được gì khi hệ thống tiếp nhận thông tin mặt đất bị tê liệt.

Radio phương tiện truyền thông duy nhất còn hoạt động hiệu quả lúc động đất xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: P.H.N

Đoán có điềm dữ xảy ra, Nam mở máy điện thoại di động Sony Ericson P1i dò băng tần FM 102.6 của Đài tiếng nói tỉnh Tứ Xuyên và nghe thấy phát ngôn viên báo có động đất cấp 7,8 độ richter ở huyện Văn Xuyên (sau này chính thức xác định là 7,9), mong dân chúng bình tĩnh và ra khỏi các tòa nhà cao tầng, tránh di chuyển vào các tầng hầm…. Đảng và chính quyền bên cạnh dân chúng và phía nhà đài thông báo tiếp sẽ có cơn dư chấn đợt 2 sau 30 phút nữa.

Tình trạng hoảng loạn lúc này thực sự bao trùm Thành Đô, ùn tắc giao thông tại các giao lộ, còi xe ôtô, xe chữa cháy, cứu thương và cả xe quân đội rú ầm ĩ... 

Nam chọn cách đi về hướng trụ sở của Sở Công an vì anh nghĩ nếu tình huống nguy hiểm xảy ra, anh trình thẻ lưu học sinh, nhà chức trách sẽ biết là người nước ngoài nên được ưu tiên.

Giao thông Thành Đô tê liệt ngay sau khi cơn địa chấn đầu tiên xảy ra. Ảnh: P.H.N

Khi đi ngang giao lộ đường Sha Wan Lu va Wen Wu Lu thì một tai nạn giao thông xảy ra khi chiếc ôtô hiệu Nissan đâm sầm vào sau đuôi chiếc xe buýt chạy tuyến số 75. Cú đâm này làm phần đầu của chiếc Nissan bể nát.

Khi đến trước Sở Công an, Nam trông thấy đông quần chúng cùng các nhân viên công an đã ra hết ngoài đường. Một cán bộ công an khuyên Nam nên về lại trường và gặp đơn vị phụ trách ở đây, tức là Nam phải liên hệ với Phòng Đối ngoại của Trường ĐHGTTN

Tình đồng hương

Thay vì chạy về trường Nam lại cuốc bộ hơn 30 phút để vào Bệnh viện mắt Thành Đô. “Tôi chợt nhớ vì nơi ấy còn một nghiên cứu sinh thuộc khoa Quản lý xây dựng cũng của Trường ĐHGTTN vừa mổ mắt được 1 ngày và nằm điều dưỡng trên tầng 4. Anh ấy tên Nguyễn Văn Sơn, người Hà Nội cũng là nghiên cứu sinh” - Nam nói.

Khi đến nơi Nam thấy anh Sơn ngồi lấy tay bịt mắt vì đau, có mặt ở khu tiền sảnh của bệnh viên. Bên cạnh Sơn là chị Yến - Bạn gái của Sơn, cũng là bạn học đồng môn của hai người. Nam và Yến là hay người thay phiên vào bệnh viện chăm sóc Sơn (Nam trực tối còn Yến trực ban ngày). 

Sơn hốt hoảng: “Anh sợ quá Nam ơi!”. Yến cho Nam biết, bệnh viện đã cho các bệnh nhân về nhà điều trị nội trú, ở đây quá nguy hiểm không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nghe xong, Nam liều chạy lên tầng 4 để lấy hết những đồ còn lại của Sơn để trong phòng điều trị.

Ở buồng số 3 nằm trên tầng 4 của Sơn, Nam thấy xuất hiện 5 vết nứt với độ rộng khoảng 5 mm. Sau khi lấy hết đồ, Nam xuống tìm hỏi bác sĩ để biết thêm cách điều trị cũng như vệ sinh vết mổ tại nơi nội trú. Khi họ ra cổng thì gặp ngay vị bác sĩ điều trị chính của Sơn. Ông này vẫn còn mặc nguyên đồng phục màu xanh, loại dành cho các bác sĩ khi mổ. 

Vì mắt của Sơn bị bịt kín nhằm bảo vệ vết mổ nên Nam và Yến phải dìu Sơn suốt quãng đường về ký túc xá của trường, cách bệnh viện khoảng 7 km. Trên đường đi, Nam nỗ lực vẫy taxi nhưng tất cả những chiếc xe này cứ phóng vùn vụt như ma đuổi và không nhận khách.

Cứ thế họ cứ dìu nhau len lỏi qua các nhà cao tầng và những đám đông đứng ngoài đường. Nhiều người cứ nhìn chòng chọc vào Sơn vì cứ nghĩ rằng anh bị thương vì cơn địa chấn vừa qua.

Do sức khỏe Sơn yếu, họ cứ đi quãng 400 m, 500m thì dừng lại nghỉ. Khi di chuyển được khoảng 4 km, thì cơn dư chấn thứ hai tiếp diễn. Mặt đất trước mặt họ rung chuyển.

Một tiệm bán mì xuất hiện trước mặt họ, ghé vào ăn vì quá đói và có dự định cho Sơn nghỉ chân. Nam trả tiền trước 3 tô mì gà và đợi. 5 phút sau người phục vụ xuất hiện bảo hết mì, họ gọi món khác và lại chờ. Nhưng cuối cùng chủ quán thông báo mì hết, quán đóng cửa vì người ăn quá đông. Họ đành nhận tiền lại và tiếp tục cuộc hành trình.

Khi cách ký túc xà chừng 3 km thì họ đón được chuyến xe buýt số 56 và khi xe này di chuyển đến  khu vực cửa tây và nam của Trường ĐHGTTN thì buộc phải dừng lại vì có hàng chục xe buýt đang nối đuôi chờ vì ùn tắc giao thông.

Trên đường cuốc bộ về ký túc xá, điện thoại di động của Nam đã có tín hiệu và nhiều cuộc gọi hiển thị số từ Việt Nam nhưng khi anh mở máy và nghe thì tắt, như bị nghẽn mạch.

Sân vận động

Ký túc xá của trường dành riêng cho nghiên cứu sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ, lưu học sinh mới sang để học tiếng Trung mà Nam ở cao 6 tầng gồm 80 phòng (2 người một phòng). Ngoài ra Trường này còn một cơ sở 2 ở nơi khác dành cho sinh viên học ĐH. Thời điểm này, KTX của Nam có 80 lưu học sinh Việt Nam, trong đó 20 nghiên cứu sinh và 60 sinh viên học tiếng Trung.

Khi nhóm Nam vào cổng KTX người quản lý cho biết, lãnh đạo Trường yêu cầu tất cả những người đang sống tại KTX rời khẩn cấp ra bên ngoài. Nam xin lên phòng (tầng 6) để lấy ít vật dụng. Khi mở cửa phòng Nam bàng hoàng khi các vật dụng để trên kệ sách đều rôi xuống đất.

Anh tranh thủ mở máy tính, thứ duy nhất còn nằm yên trên bàn. Rất may, trong khi hệ thống điện thoại tê liệt thì đường truyền Internet vẫn hoạt động được. Anh lên mạng nhắn tin về báo cho gia đình và bạn bè mình vẫn bình an; Thành Đô không có gì ảnh hưởng lớn. Đồng thời, Nam cũng nhờ bạn gọi điện thoại thông báo cho gia đình của Sơn biết, để họ bớt lo lắng…

Cuối cùng nhóm Nam cùng thêm 3 nghiên cứu sinh khác xách chăn tiến ra sân vận động của trường. Nơi này tràn ngập các sinh viên khác. Họ tìm được một chỗ để trải tấm chăn cho Sơn nằm nghỉ. Nam chạy đi mua một ít nước, bánh cho mọi người ăn lót dạ.

Dù lúc này sân vận động đã sáng đèn nhưng muỗi vẫn vo ve và đốt mọi người. Lãnh đạo trường đã xuất hiện và khuyên mọi người trở về KTX kèm theo đảm bảo rằng 20 giờ sau không xuất hiện cơn địa chấn nào nữa. Thế nhưng số đông sinh viên vẫn sợ hãi, họ không dám trở về.  

Đối đầu khó khăn

Ngày 13/5, một ngày sau thảm họa xảy ra. Tại Thành Đô mưa suốt ngày, nhiệt độ hạ xuống còn 18 độ. Theo Nam trong ngày tiếp theo này, các phương tiện truyền thông không nói gì về vụ những cơn địa chấn kế tiếp mà chỉ nói cường độ các cơn dư chấn sẽ giảm và biên độ thưa dần.

Những thông tin mà giới truyền thông đưa trong ngày này cũng như những ngày tiếp theo là cập nhật thông tin công tác cứu hộ cứu nạn, số người chết… và đặc biệt là chuyến đi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Tứ Xuyên để ông đích thân điều hành công tác này

Trưa 13/5, điện thoại di động của Nam nhận được tin nhắn của bạn nói nhà máy hóa chất ở Đô Giang Yển bị nổ tung và nguồn nước cung cấp cho Thành Đô đang bị ô nhiễm. Nên Thành Đô sẽ thiếu nước trầm trọng và không chỉ có thế, lương thực, thực phẩm cả xăng dầu cũng khan hiếm cả Thành Đô.

Trên đường đi tìm mua nước uống và thực phẩm Nam đến cửa hiệu nào cũng báo hết. Tại các cây xăng xe ôtô sắp hàng dài chờ cung cấp nhiên liệu. Tìm mãi Nam mua được 2 thùng chứa 20 chai trà xanh. Sự khan hiếm đồ tiêu dùng khiến vật giá bị đẩy lên cao.

Nam cho biết, một thùng nước 18 lít có giá lên đến 50 nhân dân tệ (tương đương 120.000 đồng).1 chai nước suối bình thường có giá 1 nhân dân tệ thì giờ đây đã là 4 nhân dân tệ  (10.000 đồng), thậm chí một số nơi còn bán với giá 10 nhân dân tệ. Hầu hết hệ thống tài chính đóng cửa , chỉ có vài ngân hàng đầu tư nước còn mở cửa như Citi bank.

Tại Trường ĐHGTTN phong trào kêu gọi cứu trợ cho những nạn nhân bị động đất lập tức được phát động. Nhóm nghiên cứu sinh của Nam làm ở phòng thí nghiệm (gồm 30 tiến sĩ và thạc sĩ) dành một tháng lương 600 nhân dân tệ để đóng góp. Riêng vị giảng viên hướng dẫn họ đóng góp 10.000 nhân dân tệ. Tổng cộng cả nhóm đóng góp được khoảng 40.000 nhân dân tệ (gần 90 triệu đồng).

Trong tương lại, theo nhóm nghiên cứu sinh của Nam dự đoán, để Tứ Xuyên vượt qua khó khăn cũng cần từ 3 - 5 năm. Cơn địa chấn có thể kéo dài đến hơn nửa năm nữa. Nguồn vốn tái thiết cũng phải cần từ khoảng 20 tỷ và có thể lên đến 100 tỷ USD.

Một số thành phố thuộc Tứ Xuyên cần  phải tái thay đổi kết cấu ngành từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp nhẹ hoặc công nghiệp nặng nhằm phù hợp với vị trí và tài nguyên của vùng.

Hiện tại những thành phố bị ảnh hưởng nặng do thảm họa này đều là thành phố có quy mô nhỏ, khoảng 100.000 người cư trú. Hai nơi như Đô Giang Yển và Nga Mi vẫn giữ truyền thống phát triển về dịch vụ du lịch; Miên Dương và Đức Dương sẽ là thành phố chuyên về ngành nghề công nghiệp nặng.

Ở nơi này vốn có nhà máy Đông Phương chuyên sản xuất các tổ máy phát điện lớn nhất thế giới, nơi đang cung cấp thiết bị và tham gia xây dựng cho nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2.

Ở Miên Dương còn có nhà máy lắp máy Chang Hong, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử lớn và những tập đoàn công nghiệp về gang thép….

Hữu Vinh ghi

Theo các báo cáo mà Phan Hoàng Nam tham khảo thì dưới lòng đất Thành Đô có một lớp đá cực dày. Khi động đất xảy ra các cơn địa chấn, dao động sóng trên lớp đá dày này tạo ra hiệu ứng chấn động thấp.