Gia đình ông Phạm Giao, xuất thân từ làng Châu Khê (tỉnh Hải Hưng cũ) lên Hà thành sinh cư lập nghiệp mang theo nghề lọc vàng lá hiệu “Sư tử” gia truyền, song như một cơ duyên, ông rẽ lối theo nghề y.
Kỹ sư điện theo học nghề y
Căn phòng nhỏ, nơi ông Phạm Giao chữa bệnh bằng tác động cột sống, nằm trong khu nhà vườn cổ (số 115 trên phố Hàng Bạc, cổng sau là số 6 Đinh Liệt, Hà Nội). Bạn bè đến, ông thường dẫn dạo quanh ngôi nhà vườn, giới thiệu trong niềm tự hào về nơi còn lưu dấu hồn phách của kiến trúc nhà cổ, gắn với nếp sống của một gia đình đậm chất Hà thành này. Khác xa với sự ồn ào, náo nhiệt của phố xá bên ngoài, đi vào ngôi nhà vườn là một không gian tĩnh lặng, yên bình với không gian xanh mát của những hàng cau cao vút, cây móng rồng, tre đằng ngà, hay trúc quân tử.
Mẹ ông, cụ Phạm Thị Tề - chủ ngôi nhà vườn cổ năm nay cũng gần tròn tuổi 100, nhưng trông cụ dáng vẻ còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ngôi nhà vườn từng chứng kiến biết bao biến đổi, thăng trầm của thời cuộc, tính đến nay đã có 5 thế hệ con cháu cụ Tề quây quần ở số 6 Đinh Liệt này. Trong 8 người con của cụ Tề, trừ người con trai út sống ở TP Hồ Chí Minh, 7 cặp dâu rể (đều đã lên tuổi ông bà) hiện cùng sinh sống trong ngôi nhà vườn này. Thế hệ cháu (đã lập gia đình) và chắt (trong đó có chắt đã 29 tuổi) của cụ Tề thì chuyển đến nơi ở mới. Ngôi nhà vườn gồm 16 phòng, cụ Tề chia cho mỗi cặp vợ chồng con cái 2 phòng, riêng người con trai trưởng - ông Phạm Giao được 3 phòng. Trong gia đình cụ, các con vẫn luôn giữ lề lối gia đình nề nếp, nho nhã, ăn ở kính trên nhường dưới.
Ông Phạm Giao cho biết, vào khoảng năm 1890, khi bắt đầu hình thành phố nghề vàng bạc Hàng Bạc thì gia đình cụ thân sinh của ông từ làng Châu Khê (của tỉnh Hải Hưng cũ) lên Hà thành sinh cư lập nghiệp mang theo nghề lọc vàng lá hiệu “Sư tử” gia truyền. Và vào năm 1945, bố mẹ ông mua ngôi nhà vườn trong khu đất rộng 560m vuông, xuyên hai mặt phố Đinh Liệt và Hàng Bạc. Sau năm 1954, đại gia đình ông không ai theo nghề lọc vàng nữa, các thành viên trong nhà chuyển sang làm nhiều công việc khác nhau.
Người em gái thứ ba của ông - bà Nguyệt Nga là họa sỹ, chuyên vẽ tranh về sinh hoạt người Tràng An trong khu phố cổ và phong cảnh Hà Nội. Bà Kim Loan làm nghề sang sợi thủ công, bà Lan Hương theo nghề thêu. Ông Phạm Giao thì theo nghề Đông y, với bài thuốc bí truyền chữa các bệnh cột sống, kết hợp phương pháp tác động cột sống mà ông theo học được từ cố lương y Nguyễn Tham Tán - từng công tác tại khoa Đông y Bệnh viện Bạch Mai và lương y Nguyễn Dư Chấn (Bµi thuèc gia truyÒn cña thÇy D ChÊn chñ yÕu ch÷a tho¸i ho¸ cét sèng). Tốt nghiệp kỹ sư điện Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1960, nhưng khi nghe danh lương y Nguyễn Tham Tán chữa bệnh bằng tác động cột sống, từ năm 1976 ông Phạm Giao đã tìm lên tận Phú Thọ - quê cụ để theo học bằng được phương pháp chữa bệnh này.
Gặp thầy, gặp thuốc
Nhiều lần đến vãn cảnh nhà vườn cổ, chúng tôi tình cờ gặp các bệnh nhân bị căn bệnh liên quan cột sống hành hạ bởi những cơn đau đớn triền miên, nhất là bị gai xương, thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống nặng. Như gặp được thầy, gặp đúng thuốc, sau những đợt điều trị bằng bài thuốc dán cao, kết hợp với tác động cột sống của ông Phạm Giao đã giúp họ từ giảm những cơn đau, đến hết đau, bình phục. Có trường hợp, như chị Lương Thị Kim O. 36 tuổi, ở phố Đông Kinh, Lạng Sơn, nghe tiếng ông Phạm Giao đã lặn lội xuống Hà Nội chữa bệnh. Chị bị gai ba đốt sống cổ C4,5,6, thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm hai đốt sống thắt lưng L4, 5 thể trung tâm chếch trái gây hẹp ống sống, đau tê dữ dội, hạn chế vận động, khiến mất ngủ, song điều trị một đợt chỉ 10 ngày tại nhà ông Giao chị đã sớm bình phục, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường. Trường hợp chị Phạm Thị Minh N. 44 tuổi, ở 17 Thanh Nhàn, Hà Nội bị thoái hoá đốt sống cổ, gai xương đốt sống thắt lưng L1, L5- S1, viêm khớp cùng chậu hai bên, đau đầu, mất ngủ, tê chân tay, hạn chế vận động, cúi ngửa không được, chị được ông Giao điều trị trong thời gian 20 ngày, bệnh đã thuyên giảm tới 90%. Với chị Trần Thị T. 50 tuổi, ở A2 Tập thể Nam Đồng, Hà Nội bị thoái hoá đĩa đệm lồi, lệch thể trung tâm L4, 5, chèn thần kinh toạ chân phải và chịu những cơn đau cột sống dữ dội, khiến không đi lại được, chị phải xin nghỉ việc không lương. Đến nay, sau bốn tháng được ông Giao chữa trị chị đã trở lại đi làm.
Ông Phạm Giao chia sẻ, cách chữa của mình ngoài dùng thuốc dán cao học từ thầy Tham Tán bỗ trợ trong chữa bệnh, ông còn kết hợp với một loại thuốc viên gia truyền. Theo ông, cao dán của lương y Nguyễn Tham Tán, có ba tác dụng là tiêu viêm, giảm đau và thông kinh lạc. Chữa các bệnh chủ yếu liên quan đến cột sống, như vôi hoá cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai xương, thiểu năng tuần hoàn não do thoái hoá đốt sống cổ, trong điều trị cho bệnh nhân ông kết hợp với một số trị liệu, như với những người bị phong thấp nặng thì có thuốc xoa bóp và ngâm chân. Người bị thoát vị đĩa đệm nặng thì mới phải uống thêm thuốc cho giải toả phong thấp. Ông cho biết, sau khi xem hình ảnh cột sống qua phim chụp xquang, tiên lượng bệnh rồi tuỳ thuộc từng bệnh nhân mà thời gian điều trị dài hay ngắn. Như người bị gai cột sống, nếu mới hình thành bệnh thì thời gian điều trị tối thiểu từ một đến hai tháng. Hàng ngày bệnh nhân đến nhà ông tác động cột sống trong vòng hai mươi phút. Người bị gai cột sống, nếu đã hình thành bệnh rồi thì kết hợp uống thuốc, xông dược liệu, và thời gian tác động cột sống phải lâu hơn, từ ba đến bốn tháng. Người bị thoái hoá cột sống, đến chữa ông sẽ tác động cột sống và dán cao, thời gian khoảng một tháng. Người bị vôi cột sống, dùng thuốc viên gia truyền của ông kết hợp tác động cột sống khoảng hai mươi ngày. Người bị đau thần kinh toạ thì chỉ tác động cột sống kết hợp dùng thuốc bóp gia truyền trong thời gian ba ngày đến một tuần lễ. Người bị thoát vị đĩa đệm, chủ yếu tác động cột sống và dán cao, thông thường người mới bị mất hai tuần điều trị, đã bị lâu thì tuỳ từng bệnh nhân mà thời gian chữa nhanh hay lâu.
Phương pháp tác động cột sống của Thầy Tham Tán
Nói về người Thầy của mình, ông Phạm Giao cho biết, lương y Nguyễn Tham Tán là người xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ), nếu còn sống năm nay cụ lên tuổi chín mươi sáu (cụ sinh năm 1915). Là một thầy thuốc Đông y, cụ rất coi trọng những bài thuốc quý trong dân gian, những kinh nghiệm chữa bệnh quý trong nhân dân (cho dù những kinh nghiệm đó chưa lý giải được bằng lý luận của Đông, Tây y lúc bấy giờ). Thời ấy ở quê cụ Tán mỗi khi trong gia đình ai đó có người bị đau bụng, người nhà thường chỉ việc lẳng lặng đến chỗ chiếc bình đựng vôi (dùng để ăn trầu), lấy vôi quệt vào gan bàn tay rồi vuốt dọc theo cột sống người bệnh từ cổ xuống thắt lưng vài lần cho tới khi thấy khỏi mới thôi. Từ kinh nghiệm dân gian, sau này hễ gặp những người bị đau bụng, cụ Tán đã giúp họ giảm hoặc dứt hẳn cơn đau bằng cách dùng gan bàn tay của mình (mà không hề quệt vôi) vuốt trên cột sống của người bệnh. Quả thật, với cách này người bệnh đều thấy đỡ đau, có người thì khỏi đau.
Lúc đó, cụ Tham Tán nghĩ: “Dùng các ngón tay của mình tác động lên cột sống người bệnh có thể cắt cơn đau cho người bệnh và có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân”. Từ đó, cụ bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu phương pháp chữa bệnh bằng cách tác động lên cột sống bệnh nhân để chữa bệnh. Cụ đã ghi lại các triệu chứng của từng bệnh, tìm tòi phát hiện ra mối liên quan giữa những đốt sống biến đổi khác thường của người bệnh với các triệu chứng đó. Và khi tác động vào những đốt sống đó thì triệu chứng bệnh của người bệnh đỡ hẳn và khỏi. Say mê nghiên cứu, cụ đã phát hiện ra được mối liên hệ giữa các triệu chứng và sự biến đổi cột sống của người bệnh, và đã tìm ra cách thức tác động lên cột sống người bệnh để chữa khỏi bệnh.
Còn nhớ, năm 1981 - 1982, phương pháp tác động cột sống của lương y Nguyễn Tham Tán đã thể nghiệm thành công chữa bệnh đau dây thần kinh hông to (thường gọi là viêm thần kinh toạ) tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, đạt kết quả chín mươi lăm phần trăm tốt và khá. Đây là một bệnh thường gặp trong nhân dân, làm ảnh hưởng khả năng vận động của chi dưới, thậm chí đứng lên, ngồi xuống rất khó khăn, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện… Nên, tác động cột sống - một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà dùng phần mềm của đầu ngón tay tác động trên hệ cột sống để chẩn bệnh, phòng bệnh và trị bệnh đã gây tiếng vang.
Tham gia chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống tại khoa Đông y Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1981, lương y Nguyễn Tham Tán đồng thời cũng là giảng viên giảng dạy phương pháp tác động cột sống tại trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu. Phương pháp tác động cột sống có khả năng lớn trong điều trị các bệnh khác nhau, như bệnh về các chức năng vận động (đau lưng cấp và mạn tính, đau cổ, vai gáy, đau cánh tay, đau dây thần kinh hông (thần kinh toạ), đau quanh khớp vai, đau khớp đầu gối, đau thần kinh liên sườn…); bệnh về nội tạng (như điều hoà nhịp tim, thiểu năng động mạch vành, đau dạ dày không do vi khuẩn, rối loạn chức năng gan, hen phế quản, hen suyễn, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hoá…); bệnh về nội tiết và tăng sinh tế bào (kinh nguyệt không đều, rong kinh, bế kinh, hành kinh đau bụng, trứng cá nhiều, suy giảm khả năng sinh dục…).
Bác sỹ Lê Đình Yên - Khoa Dưỡng sinh khí công - xoa bóp - bấm huyệt - Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho rằng, có nhiều loại bệnh ngoài dùng thuốc (Tây lẫn Đông y), thì phương pháp tác động cột sống giúp người bệnh chóng khỏi và phục hồi sức khoẻ nhanh. Bằng các động tác tác động, người tác động tạo ra một loại sóng cảm giác để cắt, hoặc giảm các phản xạ đau của người bệnh.
Cơ thể khoẻ mạnh, bình thường, thì cột sống không có bệnh. Khi cơ thể bạc nhược, hoặc có bệnh, thì biểu hiện ở trên cột sống là không bình thường (có các điểm đau). Người thầy thuốc cần tìm ra những điểm không bình thường (điểm đau) đó để giải toả, hay làm mất những điểm không bình thường đó. Trong các điểm đau có nhiều yếu tố kèm theo. Độ tinh xảo của người thầy là phát hiện lý do để xuất hiện điểm đau ấy. Sở dĩ tác động cột sống có hiệu quả trong chữa bệnh thực sự, theo thầy bởi nó điều hoà chức năng các tạng phủ trong cơ thể và cân bằng âm dương. Khi cân bằng được âm dương thì người bệnh hết bệnh… Ngay cả chữa chứng yếu sinh lý, thì ngoài dùng bài thuốc đông y chữa trị, còn có thể chữa bằng phương pháp tác động vào cột sống.
Phương pháp chữa bệnh bằng tác động cột sống, theo thầy Lê Đình Yên, là nó được đúc rút từ dân gian, từ kinh nghiệm chữa bệnh và giảng dạy của cố lương y Nguyễn Kiều (người sáng lập ra trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, nay là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam), từ cụ Nguyễn Tham Tán (giảng viên của trường) và nhiều giáo sư, bác sỹ của Học viện.
Hoàng Nghĩa Nam
Tri Thức Trẻ