Theo luật được Quốc hội Bỉ phê chuẩn ngày 13/2, trẻ em bị mắc những chứng bệnh nặng không thể chữa khỏi sẽ được chọn “cái chết êm ái” nhằm chấm dứt đau đớn.
Luật mới của Bỉ được đưa ra dựa trên kết quả một cuộc điều tra hồi tháng 10 vừa qua, trong đó cho thấy có tới 73% người dân Bỉ tán thành quyền trẻ em được chọn cái chết không đau. Nước láng giềng Hà Lan trước đó cũng đã áp dụng luật này nhưng với quy định lứa tuổi tối thiểu được chọn cái chết êm ái là 12.
Từ lâu, luật “cái chết êm ái” dành cho người trưởng thành tại Bỉ và một số nước khác đã làm bùng nổ những tranh cãi dai dẳng về khía cạnh nhân đạo của nó.
Đối với những người ủng hộ luật này, “cái chết êm ái” là cách giải thoát cho những đứa trẻ không còn hy vọng sống và từng ngày, từng giờ phải chịu những đau đớn về cả thể xác và tinh thần.
Cách kết thúc này cũng giúp những bậc làm cha làm mẹ không còn phải chứng kiến cảnh con cái mình vật lộn với bệnh tật, đớn đau. Dù luật quy định cho phép những đứa trẻ, bé nhất là những bé đang tuổi tập đi, được lựa chọn cái chết cho mình, nhưng trên thực tế, quyết định cuối cùng thuộc về các bậc phụ huynh. Việc đồng tình với lựa chọn ra đi êm ái của con mình có lẽ là quyết định khó khăn và đau lòng nhất của những đấng sinh thành.
Về lý thì là vậy, và cách giải thích trên có lẽ sẽ phần nào làm giảm nỗi đau mất mát của những người ở lại. Nhưng việc kết thúc cuộc sống của một con người, đặc biệt là một sinh mệnh nhỏ nhoi, khó có thể được coi là một việc làm nhân đạo.
Luật có quy định rõ những trường hợp được phép chọn cái chết êm ái, nhìn chung đều là những trường hợp hiểm nghèo không thuốc chữa. Cơ hội sống dù mong manh nhưng không phải không có. Và có một điều chắc chắn nữa là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai của những ông bố bà mẹ phải chứng kiến đứa con của mình ra đi mãi mãi do chính quyết định của mình.
Những thứ liên quan đến sự sống – cái chết luôn luôn là những vấn đề gây tranh cãi và khó có câu trả lời chính xác. Có lẽ để nhận định đúng hay sai phải phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.