Lừa gạt, chặt chém, du lịch Việt Nam lao dốc

Đây là hệ quả của khâu quản lý lỏng lẻo, để nạn lừa gạt, “chặt chém” tràn lan, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

Lừa gạt, chặt chém, du lịch Việt Nam lao dốc

Đây là hệ quả của khâu quản lý lỏng lẻo, để nạn lừa gạt, “chặt chém” tràn lan, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

Nhờ làm du lịch bài bản, không để xảy ra nạn “chặt chém”, Hội An vẫn thu hút tốt du khách quốc tế dù tình hình kinh tế chung còn khó khăn. Ảnh: QUANG HUY.
 

Tổng cục Thống kê cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5-2013 chỉ đạt 558.800 lượt người, giảm 9% so với tháng trước và là tháng thứ ba liên tiếp lượng khách quốc tế bị sụt giảm. Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua chỉ 2,9 triệu lượt người, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến Việt Nam đông nhất vẫn là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Nga...; một số nước và vùng lãnh thổ có số lượng khách đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ là Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Xem du khách là… con mồi!

Tổng cục Thống kê đánh giá sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua, nhất là ở đối tượng khách đến vì công việc và du lịch, cho thấy các nhà kinh doanh có xu hướng thận trọng mở rộng đầu tư ra nước ngoài; còn người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu các khoản không thiết yếu để thích ứng tình hình kinh tế thế giới còn đang hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, về nội tại, vẫn là những lý do muôn thuở. Theo các chuyên gia về du lịch, đó là do thiếu sản phẩm mang tầm vóc thương hiệu du lịch quốc gia vì cách làm còn thiếu chuyên nghiệp; hạ tầng giao thông, phương tiện vận chuyển còn yếu kém, lạc hậu. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Dã ngoại Lửa Việt, nhận xét: “Du lịch nước ta khó có thể cất cánh khi mà đường sá còn quá ngổn ngang, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông chết người quá cao, điện thì lại chập chờn. Bên Lào, tiềm năng du lịch không bằng Việt Nam nhưng đường sá của họ tốt hơn nhiều, du khách lên xe là yên tâm”.

Một lý do khác, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam chưa tốt nhưng tính bình quân giá tour lại cao hơn các nước khác trong khu vực tới 30%. “Thế thì cạnh tranh sao nổi. Chỉ cần thấp hơn 5%-10% là người ta “giật” hết khách của mình rồi. Tăng chất lượng phục vụ nhưng giá phải rẻ, đó là bài toán khó song các nước bạn làm được, sao ta thì lại không” - ông Doanh nói. Nguyên nhân cũng vì mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ lữ hành từ đi lại, lưu trú, ăn uống...

Một lý do nữa, rất cơ bản, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam khiến lượng du khách quốc tế vào nước ta sụt giảm là nạn “chặt chém”. Mới đây, chuyện các quán ăn và tài xế taxi ở Vũng Tàu, Hà Nội, TPHCM lừa gạt, “chặt chém” du khách được báo chí trong và ngoài nước đăng tải rộng khắp. Mặc dù lãnh đạo Tổng cục Du lịch trực tiếp vào cuộc xử lý nhưng đó chỉ là phần ngọn, cái gốc chứa nhiều tệ nạn vẫn còn đó khá nhức nhối.

Ông Nguyễn Văn Mỹ kể: Công ty ông vừa đón một du khách người Canada. Bà ấy nói rất “mê” vẻ đẹp của Việt Nam nhưng khi đến đây thì lo quá vì luôn được nhắc nhở phải giấu kỹ tài sản, tư trang; ra đường phải nhìn trước ngó sau để phòng giật dọc. “Thực tế là như vậy, du khách lo là phải, những người làm du lịch chân chính rất buồn. Người Thái xem mỗi du khách là bạn của đất nước, đón và phục vụ rất thân thiện. Còn ở ta, nhiều nơi làm du lịch mà xem du khách như… con mồi” - ông Mỹ ngao ngán.

Phải dẹp được nạn lừa gạt, “chặt chém”

Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm nay, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 10,3 tỉ USD vào năm 2015; 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 18,5 tỉ USD vào năm 2020 và 18 triệu lượt khách quốc tế, 71 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 35,2 tỉ USD vào năm 2030.

Tất nhiên, đó chỉ là kỳ vọng. Biến mục tiêu thành hiện thực được hay không tùy thuộc vào quyết tâm của ngành du lịch và chính quyền các địa phương, trong đó có thách thức lớn là phải triệt được nạn lừa gạt, “chặt chém” để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện.

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, 5 tháng đầu năm nay, du khách quốc tế vào Việt Nam giảm nhưng lượng khách đến Hội An vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là nhờ vẻ đẹp tuyệt vời của Hội An và quan trọng là cả cộng đồng đều ý thức làm du lịch “sạch”, xem mỗi du khách đến Hội An như một người bạn quý. Đặc biệt, ở đây hầu như không xảy ra nạn “chặt chém”, cá nhân nào lừa gạt khách liền bị quần chúng tố giác và chính quyền xử phạt rất nặng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường thừa nhận hiện tượng lừa đảo du khách trong và ngoài nước đã tồn tại nhiều năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp. Hình thức chế tài chỉ là phạt tiền nên chưa đủ sức răn đe. Các cơ quan hữu trách đã đề xuất những biện pháp xử lý theo hướng vừa răn đe vừa giáo dục cho cộng đồng, đồng thời ban hành những văn bản pháp luật, trong đó tăng các hình thức chế tài, xử lý những hành vi vi phạm.

Tiến tới truy cứu hình sự

Theo website Tổng cục Du lịch, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ để đề xuất với Quốc hội xin sửa đổi Luật Du lịch (năm 2005), trong đó bổ sung một chương về khách du lịch, quy định những điều khoản để bảo vệ quyền lợi của du khách. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất sửa đổi Nghị định 16 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, tiến tới tăng mức phạt, thậm chí xem xét một số hành vi có thể chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự để xử phạt nghiêm khắc hơn.

Theo Mai Anh Xuân
Người Lao Động

Theo Đăng lại