Tiếng chuông báo hết giờ làm việc tại Cty vừa vang lên, anh Phạm Thanh Hải vội vàng chạy tới lớp học tình thương cho kịp giờ dạy, chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Học sinh của thầy Hải hầu hết có hoàn cảnh khó khăn và chủ yếu là con em của công nhân xa quê đến Bình Dương lập nghiệp. “Một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng xua tan hết khi đến lớp, nhìn các em học sinh vui vẻ, chào đón. Ngoài dạy cho các em kiến thức, bản thân mình cũng trau dồi những kỹ năng, để trưởng thành hơn. Khi còn trẻ, có sức khỏe, mình muốn làm điều gì đó có ích cho cộng đồng”- anh Hải chia sẻ.
Đến với lớp học tình thương này, ngoài các tình nguyện viên trẻ còn có cô Nguyễn Thị Thu Hằng là giáo viên nghỉ hưu, tham gia đứng lớp suốt 15 năm qua. Cô Hằng bộc bạch: “Vì mong muốn giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khi biết đến lớp học tình thương, tôi tham gia ngay. Tôi muốn cho các em con chữ để các em có cuộc sống tốt hơn, ít ra khi lớn lên đi làm công nhân cũng biết viết lý lịch bản thân, biết điều xấu để né tránh”.
Lớp học tình thương (phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) ra đời năm 2000 xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, nhiệm vụ xoá mù chữ, chống tái mù chữ và vai trò xung kích của Đoàn thanh niên. Ban đầu, lớp học có 40 em, về sau số lượng tăng lên. Học sinh được trang bị dụng cụ học tập, sách vở... miễn phí.
“Với tinh thần xung kích, không để ai bị bỏ lại phía sau, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã hăng hái tình nguyện tham gia lớp học tình thương. Đa số các em học sinh đều có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn… do đó ngoài học miễn phí, các em còn được tặng quà, hỗ trợ vật chất, tinh thần để vươn lên trong cuộc sống”.
Chị Phạm Nguyễn Phương Thà, Bí thư Thành Đoàn Thuận An
“Xóa” mù cho những mảnh đời thiếu may mắn
Anh Nguyễn Phan Bảo Tín, Phó Bí thư Đoàn thanh niên phường Lái Thiêu, phụ trách lớp học cho biết, lớp học tình thương chia thành hai lớp vào ban ngày và buổi tối, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi học sinh. Cơ sở lớp ban ngày được Trung tâm Anh ngữ Âu châu (khu phố Nguyễn Trãi) hỗ trợ, lớp buổi tối đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường Lái Thiêu. Thành phần học sinh theo học đa dạng, từ 7 tuổi đến hơn 18 tuổi. Hiện tại, số lượng học sinh của lớp khoảng 90 em và sĩ số thường xuyên dao động. Các em trong lớp đều có hoàn cảnh khó khăn, phải làm thêm phụ giúp gia đình như bán vé số, buôn bán…
“Nhiều em do đến lớp học tình thương vì không đủ điều kiện nhập học các trường chính qui do thiếu giấy tờ (bị mất, không có khai sinh hoặc giấy tờ bị sai sót...). Nhiều em đã quá tuổi đi học. Ngoài ra, một số ít học sinh do tiếp thu chậm hoặc bị bệnh nên không theo kịp chương trình chính quy” - anh Tín nói và cho biết hiện tại lớp học tình thương dạy chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, gồm 2 môn tiếng Việt và Toán, một buổi tiếng Anh cơ bản/ tuần và lớp Mỹ thuật. Lớp học từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần.
Chị Nguyễn Thị Lan (quê Vĩnh Long, bán vé số tại Bình Dương) cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, con trai 7 tuổi của chị không được đến trường. “Bé được các cô, chú Đoàn thanh niên phường Lái Thiêu cho đi học miễn phí, tôi mừng lắm. Bản thân tôi không biết chữ, khi thấy con biết đọc, biết viết, tôi xúc động và hạnh phúc vô cùng”- chị Lan bày tỏ.
Trong một lớp thường có nhiều trình độ. Khả năng tiếp thu của mỗi em cũng khác nhau. Do đó, cứ 2 tháng một lần, ban điều hành lớp học tình thương sẽ phân nhóm lại trình độ của học sinh nhằm có giáo án giảng dạy phù hợp. Bên cạnh dạy văn hóa, lớp học còn mời chuyên gia, bác sĩ… và tổ chức các buổi nói chuyện về kỹ năng sống, hướng dẫn các em cách tự bảo vệ bản thân, né tránh điều xấu.