Chuyển sang đầu tư công để nâng cấp
Đường Nhà máy nước Thiện Tân (qua huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và đường Hoàng Văn Bổn (qua TP Biên Hòa) thuộc dự án BOT đường tỉnh 768 do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư. Tuyến đường này chỉ có một làn xe mỗi chiều, trong khi đây lại là tuyến đường có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng, xe đầu kéo container chở hàng lưu thông nên thường xuyên ùn tắc và mất an toàn giao thông.
Ông Trần Văn Nhân (tài xế thường xuyên chở gỗ ở làng nghề gỗ Tân Hòa) cho biết, đường Hoàng Văn Bổn có bề rộng mỗi làn xe chỉ 3m nên xe tải lớn, xe container choán hết làn đường, không còn khoảng trống cho xe máy di chuyển. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường này.
Mới đây, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai kiểm tra thực tế tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân, ghi nhận nhiều vị trí hư hỏng. Mặt đường xuất hiện nhiều “ổ gà”, đoạn từ vị trí giao với đường Nguyễn Trường Tộ kéo dài đến ngã ba Phát Triển (dài khoảng 1,3km) có nhiều vị trí hư hỏng nặng, kết cấu mặt đường bị phá hỏng, không đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, tuyến đường dẫn lên cầu Thủ Biên (thuộc dự án BOT 769) cũng xuống cấp trầm trọng. Mặt đường bong tróc, lồi lõm, kết cấu mặt đường bị phá vỡ, xuất hiện các “ổ voi”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Cơ quan chức năng đã đề nghị nhà đầu tư khẩn trương sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân.
Tuy nhiên, việc nâng cấp mở rộng tuyến đường huyết mạch này gặp nhiều vướng mắc, cụ thể là Nghị quyết số 437 của Quốc hội quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, để giải quyết triệt để những bất cập trên tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân và đường Hoàng Văn Bổn, không vi phạm Nghị quyết số 437 của Quốc hội, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh, đưa tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân ra khỏi dự án BOT đường 768 để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Cụ thể, tháng 6/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đang thực hiện lấy ý kiến các đơn vị liên quan đối với hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOT đường 768. Trong thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi, sở này đã đề nghị chủ đầu tư sửa chữa tuyến đường BOT này trước khi bàn giao. Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được duyệt, tuyến đường sẽ được bàn giao cho Sở GTVT Đồng Nai quản lý.
Ban Giao thông TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành cầu Tân Kỳ Tân Quý vào cuối năm nay để đồng bộ với dự án mở rộng nâng cấp đường Tân Kỳ Tân Quý (dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2024). Qua đó, việc hoàn thành các dự án này sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1 đến trung tâm TPHCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
“Đơn vị sẽ lập chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này với quy mô tối thiểu 4 làn xe, bổ sung hệ thống thoát nước dọc, chiếu sáng, vỉa hè bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh”, đại diện Sở GTVT Đồng Nai cho hay.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu Sở GTVT Đồng Nai hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án BOT đường 768 trước ngày 12/10 chuyển đến Sở Kế hoạch Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét.
Khởi động lại sau 5 năm đình trệ
Cuối tháng 6 năm nay, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TPHCM) đã tái thi công sau hơn 5 năm “đứng hình”. Đây là dự án đầu tiên TPHCM áp dụng cơ chế chuyển từ dự án BOT trước đây sang hình thức đầu tư công.
Trở lại thời điểm năm 2018, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý được khởi công theo hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng. Nhà đầu tư ban đầu là công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDECO. Sau đó, tổng mức đầu tư dự án nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn.
Ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2018 và hoàn vốn sau hơn 9 năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (cách vị trí cầu khoảng 500m). Đến tháng 12/2018, khi đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng. Đến tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc đưa cầu Tân Kỳ Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi công trình không nằm trên quốc lộ 1 là không phù hợp. Bên cạnh đó, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý cũng không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (vì dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý xây dựng trên đường hiện hữu). Vì vậy, dự án bị đình trệ kéo dài suốt 5 năm.
Cuối tháng 9/2022, UBND TPHCM đã ban hành quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án Xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công. Đến cuối năm 2022, HĐND TPHCM đã thông qua khoản ngân sách hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ Tân Quý. Theo đó, TPHCM sẽ chi khoảng 230 tỷ đồng để trả chi phí cho nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu và khoảng 261 tỷ đồng đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại.
Dự án này hiện đang do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Đại diện Ban Giao thông cho biết, việc cầu Tân Kỳ Tân Quý được tái khởi động là kết quả của quá trình các sở, ban ngành của thành phố cùng Nhóm Công tác liên ngành thực hiện hợp đồng BOT đoạn An Sương - An Lạc - quốc lộ 1 dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn tất công tác thương thảo chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư trước đây...
Theo Ban Giao thông TPHCM, sau hơn 3 tháng thi công trở lại, dự án đang đảm bảo tiến độ, đạt hơn 15% giá trị gói thầu xây lắp. Về việc thanh toán cho nhà đầu tư trước đây, tháng 11/2023, Ban Giao thông đã chi trả đợt 1 hơn 138 tỷ đồng. Việc chi trả đợt 2 với khoảng 66 tỷ đồng đang đợi ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền.