> Nguồn cung thịt đủ đến sau Tết
Anh Nguyễn Thuận, thuyền trưởng tàu QNg 97134, kể: Lúc đầu, tàu dự định đi đến mồng 10 tháng Giêng mới về, nhưng xuất phát từ Nghĩa An ra Hoàng Sa, tới ngày 28 tháng Chạp, bắt đầu gặp được mẻ cá chim, cá thu lớn.
Chỉ trong 3 ngày đêm, đánh bắt được gần 5 tấn cá trị giá hơn 300 triệu đồng. Mỗi thuyền viên có hơn 10 triệu đồng đưa về cho gia đình. Thuyền viên Phạm Thái cho biết, chỉ trong đêm 30 Tết, tàu thu về gần 2 tấn cá chim - một kỷ lục của giới ngư phủ miền Trung về đánh bắt cá chim, thu.
Tàu BĐ 6383 TS (Bình Định) cập âu thuyền Thọ Quang mồng 5 tháng Chạp, mang theo 4 tấn cá ngừ đại dương. Đây cũng là một trong những tàu trúng đậm cá ngừ trong hải trình xuyên qua 2 năm 2011 – 2012.
Thuyền trưởng Phan Xuân, kể: Hầu như năm nào, chuyến biển xuyên năm cũ sang năm mới cũng cho tàu anh no cá, đặc biệt là cá ngừ. “Năm nay, ngư dân Bình Định, Phú Yên trúng lớn cá ngừ đại dương. Một điều đáng mừng là vào bờ, cá bán sạch veo trong thời gian ngắn, đầu nậu không ép giá như mọi khi. Tính bình quân, 12 thuyền viên trên tàu mỗi người được nhận khoảng 9 triệu về quê ăn Tết”, anh nói.
Các lao động trên tàu anh Xuân chỉ về quê đúng 3 ngày, tối mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 30-1) tập trung đầy đủ ở âu thuyền Thọ Quang, chuẩn bị chuyến ra khơi mới.
Tàu QNg 98759 của anh Trần Bay (Quảng Ngãi) phải kéo dài chuyến biển tới 15 ngày, nhưng kết quả thu về cũng làm nức lòng thuyền viên mấy ngày tết muộn.
Anh Bay kể: Những ngày Tết, cả tàu đón giao thừa ở vùng biển ngoài Hoàng Sa. “Năm nay trúng lớn cá nạng, cá ngư và cá dưa. Riêng đêm giao thừa, lộc cá nạng đến làm anh em sướng rơn. Lúc đó, tàu đánh được 6 con cá nạng. Mỗi con trên dưới tạ, vị chi được gần một trăm triệu”, anh nói. Tàu anh Bay thu được khoảng 8 tấn cá, trừ phí tổn thu về hơn 250 triệu đồng.
Theo thống kê từ UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), toàn huyện có gần 1.000 tàu cá với hơn 7.000 ngư dân đón Tết ngoài biển.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Trạm Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hoài Nhơn, cho biết: “Từ mồng 1 đến mồng 7 Tết, có 45 tàu cập bến, sản lượng đạt 70 tấn. Bình quân mỗi chiếc đánh bắt được 1,4 tấn, lãi từ 40-80 triệu đồng/tàu. Tàu chuyên câu cá ngừ đại dương chuẩn bị nườm nượp cập bến trong tháng Giêng này”.
Mùa cá mới và nỗi lo cũ
Những ngày qua, tại các âu tàu ở miền Trung, không khí chuẩn bị cho chuyến xuất hành mùa cá đầu năm vô cùng tấp nập, khẩn trương. Những tàu mới trở về từ chuyến biển xuyên qua năm cũ và năm mới sẽ đi sau ngày rằm tháng Giêng, còn các tàu nghỉ ngơi đón Tết ở nhà đa số khởi hành mồng 8 tháng Giêng.
Anh Nguyễn Văn Lành, thuyền trưởng tàu ĐNa 26754 (Đà Nẵng), cho hay, tàu anh vừa mới nâng mã lực từ 90 CV lên 125 CV chuẩn bị cho một năm ra khơi đầy hứa hẹn. “Trong năm cũng định ra khơi, làm chuyến biển xuyên giao thừa nhưng ngặt nỗi không tìm ra lao động. Đậu ở âu thuyền Thọ Quang mấy ngày để tiếp dầu, đá và thực phẩm chuẩn bị ra khơi, thấy tàu Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lặc lè cá, mực cập bến mà tiếc. Thôi sang năm sẽ ráng”, anh Lành tâm sự.
Một loạt tàu đánh bắt xa bờ ở Đà Nẵng như ĐNa 90351, 90449… của anh Lê Văn Chiến, Hồ Ngọc Thạnh đều khởi hành mồng 8 tháng Chạp. Anh Chiến nói: “Năm 2011 là một năm mưa thuận gió hòa, đa số ngư dân hy vọng năm mới sẽ lại bình yên làm ăn.
Nhưng lo ngại nhất của ngư phủ là cứ đến mùa cá, phía Trung Quốc lại giở bài cấm ngư trường. Bây giờ là cao điểm của mùa cá Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm), có nghĩa đa số tàu thuyền ngư dân miền Trung đều hướng ngư trường phía Bắc. Khi vào mùa đánh bắt, họ (phía Trung Quốc) lại cấm. Ngư dân lo lắm”.
Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, năm 2011, đánh bắt hải sản của tỉnh đạt trên 150 ngàn tấn, vượt 7% kế hoạch. “Những ngày đầu năm, tôi đi dự lễ xuất hành ra khơi liên tục. Ngư dân cho biết, trung bình năm qua, mỗi người làm được 60 triệu đồng, người cao nhất hơn 100 triệu. Đó là lao động, còn chủ tàu tất nhiên cao hơn. Năm này dự báo khó khăn hơn, nhưng ngư dân sẽ tiếp tục cố gắng, ít nhất bằng năm ngoái”, ông Hoàng nói.