> Sáu năm cấm công nông vẫn còn gần 10.000 xe hoạt động
> Xe tải lộng hành phố cấm: Trên đóng, dưới mở
Ra đường sợ nhất công nông
Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên cả nước được thực hiện từ ngày 1/1/2008, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung công quỹ.
Theo thống kê từ Cục Đăng kiểm, năm 2008, cả nước có 15.777 xe công nông tự chế nằm trong diện phải loại bỏ. Tới năm 2010, việc hỗ trợ thay thế chỉ được hơn 6.000 xe, số còn lại và phát sinh thêm đến nay chưa thống kê nổi.
Xe công nông chở nông sản, vật liệu quá khổ, hàng chục người vẫn vô tư chạy ầm ầm trên quốc lộ. Người dân Tây Nguyên ở dọc các quốc lộ 14, 19, 25, 26, 27… đã quen cảnh xe công nông nối đuôi nhau trên đường mỗi chiều. Với cánh lái xe ô tô đường dài hễ thấy xe công nông là tránh.
Đại úy Nguyễn Thành Hải (Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: “Xe công nông có độ nguy hiểm rất cao, là phương tiện không dành để chở người hay hàng hóa do kết cấu xe, phanh không đảm bảo. Thậm chí, ban đêm người ta còn dùng đèn pin thay đèn xe để soi đường nên nhiều trường hợp các phương tiện khác tông vào thùng xe, gây tai nạn. Công an huyện Chư Pứh đã phải dùng tiền xử phạt mua biển Minơ phản quang, lắp đặt quanh thùng xe để chủ động cảnh báo”.
Tại thị trấn Đắk Đoa (Gia Lai), buổi sáng, PV chứng kiến hàng chục xe công nông chở người dân đi chợ, đi làm. Khoảng 9 giờ, một xe công nông chở củi cao gần 3m và phía trên có 3 người ngồi đang chạy vào thị trấn thì bị CSGT chặn xe hỏi. Tài xế tên Dừng (dân tộc Bah Nar, trú tại xã Chư Á, TP Pleiku) ậm ờ: “Mình biết chạy xe thế này là sai, nhưng lần đầu mình vi phạm, các anh thông cảm”. Đội tuần tra đành nhắc nhở rồi cho đi.
Đại úy Thái Đình Thưởng, Tổ trưởng Tổ tuần tra kiểm soát 219 (Phòng CSGT – Công an tỉnh Gia Lai), nói: “Hằng ngày, lợi dụng lúc vắng lực lượng CSGT, người dân vẫn lái xe công nông lưu thông trên quốc lộ, đa phần họ đi rẫy và chở nông sản là chính. Do đoạn quốc lộ qua địa bàn khá dài nên rất khó kiểm soát triệt để”.
Chưa có xe phù hợp thay thế
Song song với việc cấm lưu hành xe công nông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1491/QĐ-TTg nhằm “hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”. Theo đó, người dân được hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ để mua xe “4 bánh chở hàng” dung tích 300cc, tải trọng 500kg của Cty CP Ô tô TMT thuộc Tổng Cty Công nghiệp Ô tô Việt Nam.
Ông Phạm Hiếu Trình, Chánh văn phòng Ban ATGT Gia Lai, xác nhận: “Đến thời điểm này, trên cả nước vẫn chưa có phương tiện nào hữu hiệu để thay thế xe công nông”. Loại xe đã được chọn để thay thế xe công nông chỉ chở được hàng ở địa hình đồng bằng, mà giá lại cao. Xe công nông đa năng hơn, có thể chở được hàng hóa ở những địa hình phức tạp, tải trọng lớn. Ngoài việc chở nông sản và chở người đi làm, xe công nông còn được người dân dùng để cày bừa, bơm nước, bơm thuốc trừ sâu, xay xát cà phê, suốt lúa…
Ông Trình khẳng định, cấm xe công nông là đúng, nhưng vẫn còn một số bất cập vì đa số người dân ở Tây Nguyên có nhà dọc theo quốc lộ. Khi đi làm hay chở nông sản thì chắc chắn phải chạy xe trên quốc lộ. Tuy nhiên, không thể làm thêm đường nhánh dọc quốc lộ để xe công nông đi.
Bảo mỗi gia đình đã có xe công nông, nay lại mua thêm xe ô tô chở hàng chạy trên quốc lộ là chuyện quá khó. Xe công nông, xe độ chế vẫn là phương tiện thiết yếu phục vụ sản xuất của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn, nên biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là nhắc nhở.
Thậm chí, nhiều trường hợp phương tiện của người dân tộc thiểu số bị tạm giữ để xử lý thì họ “kéo cả họ, cả làng lên trụ sở công an huyện buộc phải trả phương tiện”. Vì thế, chưa có trường hợp nào bị tịch thu xe. Để cho người dân hiểu, công an đã ra sức tuyên truyền vận động, yêu cầu người dân viết bản cam kết nghiêm cấm lưu thông xe công nông trên quốc lộ.
Mới đây, tại thôn Hà Lòng (xã Kdang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai xảy ra vụ lật xe công nông làm hơn 25 người nhập viện. Năm 2013, tại tỉnh Gia Lai xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông do xe công nông, làm chết 18 người.