Người dân khu vực Tây Nguyên ít ai không biết đến vùng đất Krông Pa. Ðiều đầu tiên hằn lại tâm trí những người từng đặt chân đến đây là sự khô cằn sỏi đá, nắng cháy, đất xám bạc màu. Bởi vậy nó được mệnh danh là “chảo lửa” của Tây Nguyên, nằm phía Ðông Nam tỉnh Gia Lai.
Ngày cận Tết Nguyên đán, cái nóng vẫn như thiêu đốt vạn vật Krông Pa, phóng viên tìm đến nhà ông Ksor Lưg (52 tuổi, buôn Drai, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa- người luyện chó săn nổi tiếng khắp vùng) thì trời cũng đã mờ tối. Ông Lưg ngồi ôm chú chó nhỏ tên Binr (nghĩa là bạn thân) trong lúc chờ vợ nấu cơm. Dáng vóc ông Lưg vừa nhỏ vừa gầy nhưng đôi bàn chân lại to quá cỡ. Lý do được ông kể rằng từ khi lên 9 tuổi, Lưg đã được cha dạy cầm nỏ, chạy theo đàn chó săn lên rừng M’tli M’tlă bắt con thú. Ông tự tin khẳng định với chúng tôi có thể lội rừng liên tục hơn trăm km không cần nghỉ.
Chia sẻ về cách huấn luyện các chú chó săn, ông Lưg nói: Nhà nào có một đàn chó nhỏ thì khi chúng lớn được nửa năm, cả đàn sẽ được lên rừng trong thời gian ít nhất 3 tháng. Chúng được cho ăn thịt. Lượng thức ăn giảm dần để chúng tự tìm cách sinh tồn mà không cần nguồn thức ăn của con người. Con nào có khiếu săn mồi sẽ bộc lộ ngay. “Giai đoạn này, mỗi chú chó sẽ lộ rõ khả năng của nó. Có con biết bắt cá dưới suối, con biết bắt rắn, con thích đuổi heo rừng. Cũng có con không biết làm gì. Khi chọn được một chú chó ưng ý, chủ chó sẽ đưa nó nhập vào bầy chó săn của làng”- ông Lưg nói, và cho biết ông đang nuôi hơn 10 chú chó.
Sau 2 ngày chờ đợi, chúng tôi gặp được em Nay Thang (18 tuổi, học sinh trường THPT Ðinh Tiên Hoàng) là con trai ông Ksor Luynh 49 tuổi - một thợ săn khét tiếng. Nói may mắn vì mỗi chuyến lên rẫy của gia đình Thang thường kéo dài cỡ 2 tuần, Thang lại đi trọ học ở xa, thỉnh thoảng mới về giúp việc cho cha mẹ. Nói về cha, Thang kể lại cách đây một tuần, khi ông đang gặt lúa thì bị một con rắn hổ chúa phóng như tên bắn, rẽ lúa kêu rào rào lao đến. May mắn bầy chó săn 6 con chạy đến. Con cắn đuôi, con chụp đầu. Sau hơn 30 phút vật lộn, chiến lợi phẩm là con rắn hổ chúa nặng 6 kg.
Sáng hôm sau chúng tôi băng qua 7 con suối suốt chặng đường 20 km, mới tới chòi rẫy của gia đình ông Luynh, ở khu vực giáp ranh với tỉnh Ðắk Lắk. Nghe Thang giải thích đây chỉ là hai người bạn đến tìm hiểu về loài chó săn, ông Luynh cười sảng khoái. Ông bảo: Trưa rồi, mời mọi người vào ăn cơm. Tất cả bầy chó săn 8 con của mình đều do ông Lưg huấn luyện đấy. Con nặng nhất được 7 ký thôi nhưng đi săn giỏi lắm. Mỗi lần gia đình vào rừng ở lại ít nhất 2 tuần. Giữa tuần hết gạo, hết đồ ăn mình chỉ cần dắt 8 con chó vào rừng nửa ngày thì cũng xâu được vài con thỏ mang về. Không có chúng nó chắc mình bỏ chòi rẫy, xa quá mà!