Loại bỏ hoàn toàn túi phình động mạch não lớn bằng phương pháp stent chuyển dòng

Ba tháng sau khi được can thiệp mạch não, túi phình khổng lồ động mạch não gần 2cm của anh Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi, ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã đươc loại bỏ hoàn toàn. Không những “lành” bệnh, thị lực mắt phải của anh Hùng đang dần phục hồi lại. Đây là một trong những ca can thiệp mạch não khó nhất được ghi nhận ở Việt Nam đến nay.

Tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cuối tháng 10/2019 sau 3 tháng điều trị, anh Hùng rất hài lòng khi các kết quả chụp DSA mạch não cho thấy hệ thống mạch máu não lưu thông tốt. Đặc biệt là túi phình động mạch cảnh trong phải khổng lồ đã bị loại bỏ hoàn toàn như chưa từng xuất hiện.

Kết quả này cũng khớp với sức khỏe đã được phục hồi hoàn toàn của anh hiện tại. Không có bất kỳ một di chứng nào về thần kinh - mạch máu, anh thấy rất khỏe khoắn và đã có thể trở lại làm việc bình thường. Mắt phải trước kia không nhìn thấy gì đang dần hồi phục thi lực nên anh Hùng đã có thể đọc sách báo, xem TV bình thường.

Sau 3 tháng can thiệp mạch não, anh Hùng phục hồi thị lực và đọc sách báo, xem TV bình thường

TS.BS Tôn Thất Trí Dũng – Trưởng Khoa Khám bệnh - Nội khoa Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng, người trực tiếp can thiệp cho anh Hùng cho viết: “Túi phình không chỉ đe dọa vỡ bất cứ lúc nào, mà còn chèn ép vào giao thị gây mắt mù. Do đó, khi túi phình động mạch đã được loại bỏ cũng hết luôn chèn ép, điều này đưa đến phục hồi cho thị lực”.

Túi phình trước khi được can thiệp (ảnh trái) và đã biến mất sau 3 tháng can thiệp (ảnh sau)

Anh Nguyễn Văn Hùng từng được chẩn đoán túi phình mạch não khổng lồ tái phát cuối năm 2018, đã đi nhiều bệnh viện lớn trong nước nhưng không được điều trị. Gần 1 năm chung sống với túi phình khổng lồ, người bệnh luôn đối mặt với nguy cơ tử vong cao nếu túi vỡ.

Tháng 7/2019, khi đến Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng , bệnh nhân đã được Ts.Bs Tôn Thất Trí Dũng can thiệp kịp thời với kết quả thành công hơn cả mong đợi bằng phương pháp Coil và Stent chuyển dòng.

Đây là một trong những trường hợp can thiệp mạch khó nhất từ trước tới nay, bởi túi phình động mạch cảnh trong kích thước khổng lồ (26 x 18 mm, cổ rộng 7.8mm) đã bị vỡ 1 lần. Việc thực hiện đặt coil lần đầu đã thành công trong giai đoạn cầm máu khi túi phình vỡ. Tuy nhiên, phương pháp này không thể loại bỏ được túi phình do áp lực máu rất cao, gây xẹp khối coil dẫn đến tái phình, nguy cơ tái vỡ rất cao, tiên lượng tử vong 100% nếu tái vỡ và có thể vỡ cả trước, trong quá trình can thiệp. Đó chính là lý do anh Hùng đi nhiều bệnh viện nhưng chưa được điều trị triệt để.

Ekip bác sĩ Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng thực hiện thành công nhiều ca can thiệp mạch não phức tạp

Là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về can thiệp mạch não, BS Tôn Thất Trí Dũng đã quyết định điều trị bằng phương pháp tối ưu. “Túi phình đã quá lớn, vị trí túi phình không cho phép phẫu thuật kẹp clip, phương pháp phẫu thuật sọ não hở có nhiều nguy cơ và biến chứng. Do đó, bệnh viện Vinmec Đà Nẵng đã chọn phương pháp ưu việt nhất đối với ca bệnh nàychụp và nút phình động mạch não bằng Stent chuyển dòng có kết hợp đặt thêm coil” – BS Dũng cho biết.

Phương pháp can thiệp nội mạch là phương pháp xâm nhập tối thiểu, người bệnh không cần phải mở sọ... nên hạn chế được các nguy cơ và biến chứng. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao, thủ thuật viên phải có kinh nghiệm, phải được đào tạo bài bản, đồng thời tổ chức đầy đủ ê-kíp và các phương tiện hiện đại mới có thể triển khai. Hiện nay, tại khu vực miền Trung, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng là một trong số ít các bệnh viện thực hiện thành công kỹ thuật này.

Phình động mạch não là bệnh rất nguy hiểm, khi vỡ gây tử vong rất cao và được xem như là “ Sát thủ thầm lặng”. Các triệu chứng phình động mạch não thường rất mơ hồ (chủ yếu là nhức đầu kéo dài...) nên dễ bị bỏ sót cho đến khi túi phình mạch não vỡ và gây triệu chứng cấp. Do đó, người bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu: Nôn mửa, nhức đầu, rối loạn ý thức, và có thể đưa đến tử vong trước khi vào viện hoặc tại bệnh viện nếu không được điều trị kịp thời.

Tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 2-3 %, lứa tuổi hay gặp là từ 15 - 50 tuổi nhưng thường gặp ở người hút nhiều thuốc lá, tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu.