Lo vỡ quy hoạch ở khu đô thị kiểu mẫu

TP - Hàng loạt các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch. Người dân tại đây chỉ còn cách gửi đơn kiến nghị khắp nơi và xuống đường căng băng rôn phản đối để bảo vệ nơi mình sống đúng như giá trị ban đầu.

Chủ tịch Hà Nội nói gì?

Mới đây, hàng trăm hộ dân Khu đô thị Ciputra vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chủ tịch Hà Nội, các sở: Quy hoạch- Kiến trúc; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư… về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thuộc khu đô thị Ciputra - giai đoạn 2, tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Theo đó, lô đất TM-13 diện tích 54.977m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Lô đất P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng xây xanh kết hợp đồng bộ lô T-13…

Bà Phạm Thị Thi, Tổ phó tổ dân phố Nam Thăng Long cho hay, tại cuộc họp cư dân tối 18/4 vừa qua, tất cả đều có ý kiến và lấy chữ ký phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. Đáng lưu ý là ô đất TM-13 trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) nay điều chỉnh bằng việc tăng thành 8 tòa cao đến 68 tầng. Mật độ xây dựng điều chỉnh tăng từ 33,1% lên 35,45%. “Chúng tôi bỏ tiền ra mua căn hộ ở đây là mua tất cả tiện ích, không gian và hạ tầng kỹ thuật nay lại có nguy cơ bị phá vỡ không khác gì bị lừa. Tất cả những thay đổi này không phục vụ lợi ích cư dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chúng tôi”, bà Thi nói.

Còn bà Đàm Kim Kiên, đại diện Chi hội Phụ nữ khu Ciputra cho rằng: “Bằng việc điều chỉnh quy hoạch như trên, rõ ràng là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư, không quan tâm đến lợi ích của những cư dân đang sống trong khu đô thị”.

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 13/5, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về nguyên tắc khi Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long xin điều chỉnh quy hoạch một số lô đất thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), UBND Hà Nội sẽ trả lời. Hiện, UBND Hà Nội đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội báo cáo, làm rõ sự phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục thực hiện… Theo ông Chung, trong quy trình đó có việc phải xin ý kiến cộng đồng. Sau này, cộng đồng không đồng ý, Hà Nội cũng không đồng ý thay đổi quy hoạch.

Cư dân xuống đường phản đối xây bệnh viện

Sáng 12/5, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại khu Đoàn Ngoại giao, phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng nhau căng băng rôn, đi bộ quanh khu đô thị khi nhiều bức xúc suốt 2 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Trước đó, cư dân tại đây rất nhiều lần xuống đường căng băng rôn, tuần hành phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch so với ban đầu, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.

Ông Cao Xuân Tùng - Trưởng Ban Quản trị tòa N03T2 cho biết: “Các lô đất được điều chỉnh có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp. Nay, chúng bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều. Việc thay đổi làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dự án, làm tăng mật độ xây dựng, gây áp lực hạ tầng giao thông, thiếu hụt trường học, nhà trẻ, khu vui chơi… Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây, chủ đầu tư là Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cũng đã đồng ý với đề xuất của người dân về việc giảm 2 tòa 27 tầng, 4 tòa 15 tầng thành 5 tầng”, ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, có một số lô đất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, như lô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay, chỗ này điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.

 “Việc xây dựng bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn cư dân, giữa đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Khu đô thị Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Đồng thời, việc này gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị. Chưa kể nguy cơ rò rỉ các chất từ phòng xạ trị của bệnh viện ra khu vực”, ông Tùng nói.

Đại diện chủ đầu tư, Hancorp cho biết, đã nắm bắt được vấn đề cư dân ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn nêu ý kiến và từng tổ chức nhiều buổi đối thoại. Tuy nhiên, đến nay, một số vấn đề vẫn đang được giải quyết, người dân bức xúc nên căng băng rôn để làm áp lực.

Trước bức xúc của cư dân về dự án xây bệnh viện ung bướu, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội lý giải, bệnh viện này do Hiệp hội Ung thư của Nhật bản, Đại sứ Nhật Bản đưa về khi Hà Nội kêu gọi xúc tiến đầu tư.

“Chỗ này chủ yếu là khoa học và chuyển giao công nghệ, chứ không phải bệnh viện là chính. Các nhà khoa học Nhật Bản, Mỹ đầu tư vào đây có máy móc và nghiên cứu. Đặt bệnh viện ở đây là có lợi cho người dân và ngoại giao đoàn chứ không có hại như người dân lo lắng. Sẽ không có khám chữa bệnh ồ ạt như các bệnh viện khác. Ở đây có 40 giường bệnh còn lại chủ yếu là hệ thống máy móc và nghiên cứu”, ông Chung nói. Ông Chung khẳng định, việc thay đổi quy hoạch là đúng không sai.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc thay đổi quy hoạch các ô đất trong khu đô thị phải xin ý kiến của cư dân. Nếu cư dân phản đối, Hà Nội không duyệt cho thay đổi quy hoạch.