Lộ tẩy giao dịch nội gián

TP - Thị trường chứng khoán đang phập phồng ở ngưỡng không tạo mấy hứng khởi cho nhà đầu tư. Gần đây, lại xuất hiện nhiều hoat động giao dịch nội gián gây thiệt hại cho đa số những người bỏ tiền vào sàn. 

Dẫu vậy, chế tài để xử lý các hành vi này mới dừng lại ở kiểu đánh trống bỏ dùi.

Giao dịch minh bạch tạo niềm tin là bí quyết thành công (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Phạm Yên

Phạt, không sợ

Đầu tháng 12-2009, UBCKNN phạt ông Trần Công Phước ( nhân viên Cty Nhà Thủ Đức- TDH) và ông Phạm Quốc Thắng 100 triệu đồng vì đã sử dụng thông tin nội bộ về việc phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1 của TDH  để giao dịch cổ phiếu này.

Giữa tháng 3-2010, vụ bà Đào Thị Kiều (Phủ Lý, Hà Nam), cổ đông nội bộ của KSH (Cty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Hamico) đã tiết lộ thông tin nội bộ về việc triển khai dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng của Cty này cho bà Nguyễn Thị Nhung (Phủ Lý, Hà Nam) và ông Nguyễn Văn Giống (Duy Tiên, Hà Nam) để giao dịch cổ phiếu KSH (mã chứng khoán của Cty cổ phần khoáng sản Hà Nam), trước khi thông tin này được công bố, các đối tượng này cũng đã bị UBCKNN phạt tổng cộng 165 triệu đồng.

Theo Điều 181b của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm.

Trong vụ này, bà Kiều chính là vợ của Tổng GĐ Cty Cổ phần khoáng sản Hà Nam, và bà Nhung đã giao dịch hơn 1% số lượng cổ phiếu KSH đang lưu hành mà không báo cáo theo quy định. Ước tính, khoản lời mà bà Kiều, bà Nhung và ông Giống thu được từ giao dịch nội gián cổ phiếu KSH lên tới cả tỷ đồng.

Bà Phượng còn thực hiện một phi vụ lớn hơn với cổ phiếu VTV. Ngày 31-3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ( HNX)  thông báo bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã bán hết 557.800 cổ phiếu VTV đang sở hữu, nhưng không công bố thông tin.

Bất thường hơn khi trước đó, đầu tháng 2-2010, trước khi bán sạch cổ phiếu VTV, bà Phượng đã công bố mua công khai 1,2 triệu cổ phiếu này, nhưng cho đến nay, chưa hề có thông tin nào chứng minh bà Phượng đã mua bao nhiêu cổ phiếu KSH.

Tin bà Phượng mua với số lượng khá lớn trên đã góp phần đẩy giá cổ phiếu KSH tăng mạnh, từ lúc chào mua chỉ có 40.000 đồng/cổ phiếu, đã tăng lên 66.000 đồng/ cổ phiếu vào ngày 19-3.

Trong thời điểm đó, bà Phượng âm thầm bán hết cổ phiếu mình có với giá hời, mà theo nhận định của giới đầu tư chứng khoán, nếu bà Phượng thông báo bán, giá VTV sẽ không tăng cao đến vậy.

HNX đang đề nghị UBCKNN xử lý, tuy nhiên nếu bà Phượng chỉ bị phạt tiền như những trường hợp trước thì nhiều nhà đầu tư sẽ càng nghi ngại sự minh bạch của TTCK.

Đánh, không hãi

Giao dịch chứng khoán tại một sàn ở Hà Nội - Ảnh: Phạm Yên

Hiện tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn dùng giao dịch nội gián hoặc thao túng giá chứng khoán như trên đã từng làm cho TTCK chao đảo nhiều lần, UBCKNN cũng đã phạt hơn chục vụ nhưng vi phạm ngày càng trầm trọng hơn!?

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng từng thừa nhận việc điều tra, xử phạt hành vi vi phạm trên rất khó. Mức phạt thấp, khung pháp lý chưa đầy đủ, và nhất là giơ cao đánh khẽ đã khiến những vụ thao túng, giao dịch nội gián vẫn có đất sống.

UBCKNN nhiều lần cảnh báo các Sở GDCK, Cty niêm yết phải dập nhanh tin đồn, minh bạch thông tin, nhưng khi xảy ra vụ việc thì chính những nơi này lại xử lý theo kiểu đánh trống bỏ dùi.

Từ 1-1-2010, Điều 181b của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự cũng quy định những hành vi trên có thể phải ngồi tù, nhưng cho đến nay mức phạt cao nhất chưa đến 70 triệu đồng/hành vi.

Lãnh đạo cả sàn HNX và HOSE đều khẳng định: Với những trang thiết bị, công nghệ mới thì năm 2010 sẽ dễ dàng phát hiện những vụ thao túng, nội gián hơn.

Luật đã có, công cụ phát hiện vi phạm không thiếu, và nhà đầu tư chỉ còn chờ cách xử lý của UBCKNN để TTCK minh bạch hơn, giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.