Tràn lan hàng giả, hàng nhái từ miền xuôi lên miền ngược

Lò sản xuất hàng giả, hàng nhái

TP - Khi đã tin tưởng, Thuyết tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi các mối để lấy hàng. Tại đây, chúng tôi được giới buôn tiết lộ rõ hơn về quy trình sản xuất một số mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như cách để qua mặt cơ quan chức năng. 
Dán nhãn mác nhái thương hiệu

Theo giới thiệu của Thuyết, chúng tôi về xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu) để gặp Đức, chủ một cơ sở sản xuất nước đóng chai. Nơi đây được xem là “thủ phủ” hàng giả, hàng nhái của Diễn Châu. Dù chúng tôi đã giới thiệu quen biết với Thuyết, tuy nhiên Đức vẫn tỏ ra khá cảnh giác. Đức hẹn chúng tôi ở một quán cà phê, với ánh mắt dò xét và liên tục hỏi về cách phân phối hàng.

Sau khi chúng tôi nói rõ ý định muốn đưa các loại nước này về các huyện miền núi, Đức mới đồng ý dẫn về cơ sở. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là 3 người đang dán nhãn mác khá thủ công.

Chỉ tay về đống vỏ chai, Đức nói: “Muốn mác gì có mác đó, nước Laviqs (nhái thương hiệu Lavie), Avinaa…Lấy loại nào anh cứ báo”. Giá cả khá rẻ. Loại 350ml, giá chỉ 35 nghìn đồng/24chai; loại 500ml khoảng 42 nghìn đồng/24chai. Tính ra chỉ khoảng 1.500 đồng/chai. Ngoài thị trường, loại này được bán với giá 10 nghìn đồng/chai. Với công suất trung bình 100 lốc, cộng với hàng có sẵn, mỗi ngày chỉ riêng cơ sở này đưa được khoảng 3.000 chai nước ra thị trường.

Vừa  qua nhà Đức, chúng tôi tiếp tục được giới thiệu qua nhà Ngọc cách đó không xa để thương thảo về giá của một số sản phẩm như bột giặt, dầu gội, dép…Theo tiết lộ của Ngọc, bột giặt làm giả thương hiệu nổi tiếng là sản phẩm dễ làm và có lợi nhuận cao nhất. Bột được các con buôn mua từ Bắc Giang và Trung Quốc, sau đó cho vào các bao bì giống hệt hàng chính hãng đã được đặt in sẵn. Chỉ cần một chiếc cân 5kg đong đủ khối lượng rồi dùng máy ép nylon dập mép là hoàn tất công đoạn sản xuất. Tùy vào nhu cầu đặt hàng của khách, giới buôn sẽ chọn loại bột có tỷ lệ tương ứng, với công thức “bọt càng nhiều, giá càng cao”.

Một cách khác được các “nhà sản xuất” ở đây sử dụng là lấy bột giặt rẻ tiền hơn sau đó thay vào bao bì loại bột giặt đắt tiền hơn. Với loại sản phẩm này, Ngọc khẳng định tại Nghệ An chỉ Diễn Kim mới có. Cũng chính tại xã này, vào đầu tháng 1/2019, công an huyện Diễn Châu phát hiện một cơ sở sản xuất bột giặt OMO giả, đóng bột giặt Đức Giang vào bao bì bột giặt OMO.

Để tiêu thụ được hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, ngoài chiêu trộn lẫn với hàng chính hãng, các con buôn phải có cách đối phó với cơ quan chức năng. “Nói chung gặp quản lý thị trường, em không sợ chi mô, lấy hàng ở đây anh đã “bao” rồi. Còn chạy lên trên kia (các huyện miền núi - PV), đầu năm em “làm luật” một lần, cuối năm một lần nữa là xong. Nếu căng quá, đút vài triệu là qua”,  Ngọc nói.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến thực trạng sản xuất nước đóng chai bát nháo, ông Phạm Ngọc Quy- Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Sở Y tế Nghệ An, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục VSATTP, đã kiểm tra 22 cơ sở, phát hiện 9 cơ sở vi phạm về quy định nhãn mác, ATTP".

Một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Nghệ An thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý địa bàn, quản lý các đối tượng kinh doanh chưa được chặt chẽ và toàn diện; tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, vi phạm quy định về VSATTP trôi nổi trên thị trường. Công tác quản lý nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa chưa chặt chẽ.