Lo ngại Trung Quốc xuất khẩu công nghệ giám sát từng người dân

TPO - Công nghệ giám sát của Trung Quốc đang được sử dụng ở các nước Mỹ Latin vào nhiều mục đích, từ chống tội phạm đến giám sát thảm họa thiên nhiên. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại công nghệ này có thể bị sử dụng vào những mục đích mờ ám hơn.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc được trưng bày tại một triển lãm gần đây. (Ảnh: SCMP)

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, công nghệ này có thể trở thành công cụ mà “trước đây nhiều chính phủ chỉ có thể mơ đến: năng lực trừng phạt những người có hành động chính trị hay xã hội mà không được chính phủ cho phép”.

“Hệ thống mới đó đã được lắp đặt tại Trung Quốc để tạo thành mạng lưới giám sát gần như tất cả mọi người nhờ mạng lưới camera hiện diện khắp nơi, đồng thời tiếp cận cả dữ liệu về vị trí của điện thoại thông minh cũng như thông tin về gần như mọi khía cạnh liên quan đến một con người, bao gồm liên lạc của họ qua điện thoại và các phương tiện kỹ thuật số, thông tin về giao dịch ngân hàng và thẻ tín dụng, các giao dịch thương mại, hợp đồng và đăng ký công cộng mà họ thực hiện”, báo cáo viết.

Trong báo cáo tựa đề “Tương lai của Mỹ Latin và Caribean trong bối cảnh trỗi dậy của Trung Quốc”, tác giả Evan Ellis nói rằng những hệ thống như vậy sẽ giúp các chính phủ mua chúng có được khả năng “giám sát và xác định hành vi của gần như mọi người trên lãnh thổ của họ và xa hơn nữa, không chỉ những hoạt động tội phạm mà cả hoạt động mà các chính phủ đó coi là đối kháng về chính trị hoặc xã hội”.

Các công ty Trung Quốc đang xuất khẩu “những hệ thống giám sát thế hệ mới” sang khu vực Mỹ Latin chủ yếu thông qua hợp đồng với Liên minh Bolivar vì nhân dân châu Mỹ.

Ecuado đã mua hệ thống ECU-91123 do Tập đoàn xuất nhập khẩu điện tử quốc gia Trung Quốc thiết kế và chế tạo để tích hợp các cơ quan an ninh và cứu trợ thiên tai, bao gồm lực lượng cảnh sát, cứu hỏa và các đơn vị bán quân sự.

Bolivia đã mua BOL-110, hệ thống sử dụng hơn 600 camera an ninh cũng do công ty Trung Quốc nói trên phát triển. Dự án này trị giá khoảng 105 triệu USD, sử dụng vốn vay từ Bắc Kinh. Giai đoạn đầu tiên được triển khai từ tháng 11 năm ngoái.

Venezuela, với sự giúp đỡ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, đã xây dựng một cơ sở dữ liệu có thể theo dõi hành vi của công dân thông qua chứng minh nhân dân. Theo Reuters, thẻ này có dữ liệu về quan hệ chính trị, hoạt động bỏ phiếu, hồ sơ tài chính và y tế, cũng như hoạt động sử dụng mạng xã hội.

Ông Carlos Murillo, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Costa Rica, nói rằng cân bằng chính trị ở Mỹ Latin đang thay đổi, với các chính phủ cánh tả và trung tả xuất hiện nhiều hơn, và các lãnh đạo cũng chú trọng hơn đến an ninh quốc gia.

Ông Ellis, tác giả báo cáo nói trên, nói rằng việc sử dụng dữ liệu lớn vào các mục đích an ninh có thể được người dân ở Nam Mỹ chấp nhận vì có thể hữu ích trong chống tham nhũng. Nhưng sau khi được chấp nhận rộng rãi, những hệ thống đó có thể bị lạm dụng.

Có thể bị lạm dụng để do thám

Công nghệ giám sát an ninh của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm an ninh Trung Quốc 2018. (Ảnh: Reuters)
Công nghệ mới cũng gây lo ngại cho một số nước, đặc biệt là Mỹ, về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực mà Washington coi là sân sau của họ.

Kể từ năm 2005, Trung Quốc cho các chính phủ và công ty ở Mỹ Latin vay hơn 150 tỷ USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được 30 thỏa thuận đầu tư và thương mại với Buenos Aires trong chuyến đi của ông đến Argentina gần đây để dự cuộc họp của G20.

Một số người lo ngại công nghệ mới sẽ không chỉ bị các chính phủ mà cả Trung Quốc lạm dụng.
Ông David B.H. Denoon, tác giả cuốn sách “Trung Quốc, Mỹ và Tương lai của Mỹ Latin”, nói rằng nhiều người Mỹ Latin lo sợ “thiết bị viễn thông của Trung Quốc có thể bị sử dụng để giám sát ngay cả khi không có sự đồng ý của các chính phủ Mỹ Latin”.

Trong báo cáo của mình, ông Ellis cũng cảnh báo công nghệ giám sát mới có thể bị các cơ quan tình báo Trung Quốc tận dụng.

Các công ty Trung Quốc cung cấp hệ thống này sẽ “có khả năng gần như vô hạn trong việc thu thập dữ liệu về công dân, các lãnh đạo chính trị và kinh tế, cũng như những người kiểm soát thông tin thương mại và quân sự nhạy cảm”.

“Trung Quốc có thể lợi dụng để thu thập và tống tiền các nhân vật chính trị, quân sự và kinh doanh để có được thông tin chính trị, quân sự và thương mại giá trị, cũng như để tác động đến các quyết định thương mại và chính trị để thúc đẩy những lợi ích chiến lược của Trung Quốc”, báo cáo viết.

Những quan ngại tương tự cũng đã được nêu ra ở một số khu vực khác của thế giới mà Bắc Kinh đã xuất khẩu công nghệ, như châu Phi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Mỹ cũng đã xuất khẩu công nghệ tương tự.

Một báo cáo của tổ chức giám sát Privacy International đưa ra vào tháng 7 năm nay nói rằng những nước khác như Mỹ đã cung cấp nhiều loại thiết bị giám sát cho các nước ở Mỹ Latin. Năm 2001, Mỹ chi 5,7 tỷ USD cho viện trợ an ninh, và hơn 20 tỷ USD vào năm 2017.

Theo theo SCMP