Lo lạm phát “đè” chứng khoán?

TP - VN-Index có phiên chỉnh mạnh đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ lễ, kết hợp với diễn biến xấu của thị trường tài chính quốc tế đã khiến các nhà đầu tư kích hoạt đà bán tháo trên diện rộng khiến cho thị trường chứng khoán rơi tự do phiên chiều 14/2. Trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng mạnh trên diện rộng, tâm lý tiêu cực và quan ngại lạm phát sẽ “đè” bẹp TTCK đang hiện hữu.

Ngày Tình yêu 14/2: Chứng khoán nhuốm màu đỏ rực

Chỉ 30 phút cuối phiên chiều ngày 14/2, VN-Index đã bị thổi bay gần 30 điểm xuống còn 1.471 điểm, VN30 giảm rất mạnh 40,85 điểm còn 1.505 điểm. Tốc độ rơi như của VN-Index trong phiên 14/2 khiến giới đầu tư choáng váng không hiểu có chuyện gì đang xảy ra khi nhà đầu tư ồ ạt mang hàng ra bán tháo, đặc biệt ở nhóm Bank khiến chỉ số rơi mạnh cuối phiên. Chứng khoán Việt có phiên giảm sâu ngay đầu tuần. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ sau khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Lo ngại lạm phát làm đảo chiều xu hướng trên thị trường chứng khoán

Cụ thể, hàng loạt các cổ phiếu lớn bị bán mạnh, giá giảm mạnh, thậm chí sàn ngay trong phiên ATC như STB bị bán tới 7,8 triệu cổ phiếu dẫn đến giảm sàn còn 32.850 đồng/cổ phiếu, LPB bị bán 2,9 triệu cổ phiếu dẫn đến dư bán sàn, giá giảm xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. VCI cũng giảm sàn vào cuối phiên xuống mức 56.900 đồng/cổ phiếu. "Tội đồ" khiến thị trường rơi mạnh là do các cổ phiếu Bank đồng loạt giảm. Cụ thể TCB giảm 4,1%, VPB giảm 4,4%, ACB giảm 4,8%, CTG giảm 6%, TPB giảm 6,7%, MBB giảm 5,7%, BID giảm 6,6%…

Theo giới phân tích, nhiều lý do tạo nên phiên giảm sâu đầu tuần của chứng khoán Việt. Song chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý và yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng nặng nề đến chỉ số. Thứ nhất, chứng khoán châu Á có một phiên giảm mạnh ngay thứ hai đầu tuần, từ đó chứng khoán Việt phần nào bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm điểm của chứng khoán toàn châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei giảm 616 điểm, tương ứng 2,23%, Shanghai giảm 34 điểm tương ứng 1%, HSI giảm 346 điểm, tương ứng 1,4%, KOSPI giảm 43 điểm tương ứng 1,57%… Thị trường tài chính toàn cầu có một phiên giao dịch đầu tuần đỏ lửa, tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư bị đè nặng khi thế giới có nhiều biến động khó lường, đặc biệt nguy cơ xung đột Nga - Ukraina và sự can thiệp của các bên như Mỹ - Trung, NATO đang được đẩy lên cao.

Lo lạm phát “đè” chứng khoán

Trong tuần này, 20 Bộ trưởng Tài chính của những nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp trực tuyến để thảo luận về áp lực lạm phát hậu đại dịch trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh. Vậy việc giá dầu tiến sát mốc 100 USD dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Số liệu của Bloomberg Economics cho thấy nếu giá dầu đạt 100 USD trong tháng này thì lạm phát ở Mỹ và châu Âu sẽ tăng nửa điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.

JP Morgan Chase cảnh báo giá dầu sẽ lên mức 150 USD/thùng nếu Nga giảm một nửa sản lượng. Mức giá cao kỷ lục trong lịch sử này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống gần 0% và đẩy lạm phát bình quân thế giới vượt 7%. Con số này cao gấp 3 lần so với mức lạm phát mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách để có thể tăng trưởng ổn định hậu đại dịch. Với việc Chính phủ Mỹ hôm 11/2 báo cáo lạm phát tiêu dùng ở mức 7,5% trong cả năm qua - ngưỡng cao nhất trong 40 năm, khả năng các doanh nghiệp phải tăng giá cả là không thể tránh khỏi.

Đi cùng với diễn biến quốc tế, tại thị trường trong nước, Dragon Capital đánh giá rủi ro của Việt Nam chủ yếu đến từ bên ngoài, cụ thể là hành động của Fed. Tuy nhiên, nếu thị trường toàn cầu diễn biến tiêu cực, tác động đến Việt Nam có thể sẽ không nặng nề. Vấn đề sẽ là xu hướng rút ròng của khối ngoại, điều này có thể ảnh hưởng trái chiều đến thị trường Việt Nam.

VNDirect dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng 3,45% so với cùng kỳ (cao hơn mức dự báo về CPI bình quân năm 2021 là 2,1% so với cùng kỳ). Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ cho CPI bình quân năm 2022 tăng dưới 4,0% so với cùng kỳ.

Còn nhóm phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) lo ngại, lạm phát có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. Lạm phát có khả năng vẫn sẽ được kiểm soát (dưới 4%) tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn là yếu tố cần lưu tâm và quan sát. "Với các biện pháp kích cầu mới, lạm phát không lành mạnh có thể đến từ gói bù lãi suất 2%/năm trị giá 20 nghìn tỷ đồng/năm (0,9 tỷ USD) trong giai đoạn 2022-2023. Chúng tôi cho rằng gói này bị giới hạn cả về phạm vi và số lượng cung cấp cho các doanh nghiệp trong khi tác động của gói này đối với lạm phát phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách thực thi chính sách. Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát năm nay gắn nhiều với vấn đề lạm phát do chi phí đẩy hơn là lạm phát do cầu kéo', VDSC nhấn mạnh.