> Trung Quốc xử “quan cười”
> Đình chỉ chức vụ, điều tra quan chức có 21 nhà
Bộ ba gắn bó
Dư luận Trung Quốc cho rằng, sau vụ xử Bạc Hy Lai và 4 quan chức hàng đầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia (Vương Vĩnh Xuân, Lý Hoa Lâm, Nhuế Tân Quyền, Vương Đạo Phúc) lần lượt bị điều tra, việc Tưởng Khiết Mẫn bị bãi chức, điều tra cho thấy một tập đoàn “hổ tham nhũng” đứng đầu là nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đang dần dần lộ diện...Những ngày gần đây, báo chí liên tiếp phanh phui những mối quan hệ gắn kết, chằng chịt giữa những nhân vật này.
Theo Hãng thông tấn Đa chiều (DWNews), Tưởng Khiết Mẫn có quan hệ thân thiết với Bạc Hy Lai, đã sử dụng phương thức đầu tư các công trình hóa dầu quy mô lớn vào các địa phương nơi Bạc Hy Lai giữ chức để nâng cao thành tích chính trị, tạo điều kiện cho Bạc thăng tiến.
Dư luận đã từng xuất hiện những ý kiến thắc mắc quanh việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Trùng Khánh, nơi Bạc Hy Lai là Bí thư Thành ủy. Bởi dầu thô phải chở đến qua đường Myanmar rất tốn kém, nếu xây dựng nhà máy ở các tỉnh ven biển phía Đông Nam thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều...
Sau khi Tưởng Khiết Mẫn ngã ngựa, xem lại lý lịch của ông ta, nhiều người phát hiện ra rằng: Khi mà Chu Vĩnh Khang rời chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia để thăng tiến như diều gặp gió trên chính trường, cũng là lúc Tưởng Khiết Mẫn “một bước lên trời” bởi Tưởng là cấp dưới của Chu từ khi ông ta là Giám đốc mỏ dầu Thắng Lợi (Sơn Đông). Khi Chu ngồi ghế Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tưởng được bổ nhiệm Phó giám đốc...Khi Chu được vào Thường vụ BCT thì Tưởng cũng trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia.
Đối với Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang luôn dành cho sự hậu thuẫn, ưu ái đặc biệt. Năm 2010, khi phong trào Trùng Khánh đang rầm rộ, gây nên những tranh cãi, Chu Vĩnh Khang đã về Trùng Khánh nghiên cứu và tuyên bố: Phong trào Trùng Khánh đang tiến hành là “việc tốt, việc thực có lợi cho dân”. Khi Bạc Hy Lai và đoàn đại biểu Trùng Khánh đã ở vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” tại kỳ họp quốc hội và Chính Hiệp năm 2012, Chu Vĩnh Khang đã đến thăm đoàn tại trụ sở và phát biểu khẳng định những thành tựu kinh tế và thành công của “mô hình Trùng Khánh”, tỏ rõ lập trường ủng hộ Bạc Hy Lai. Không dừng ở đó, khi xảy ra “sự kiện Bạc Hy Lai ngày 7/3/2012”, Ban Thường vụ BCTT bỏ phiếu để quyết định cách chức Bạc Hy Lai, duy nhất Chu Vĩnh Khang bỏ phiếu chống.
Trong phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai vừa qua, theo “biên bản đầy đủ phiên tòa” được đăng tải trên “Thời báo New York” , Bạc nói, ông ta đã nhận được “Chỉ thị 6 điểm của cấp trên” về việc xử lý Vương. Tuy Bạc Hy Lai không nói rõ, nhưng người ta hiểu rằng, chỉ thị này đến từ Ủy ban Chính trị pháp luật do Chu Vĩnh Khang đứng đầu.
Những quân bài Domino đổ tiếp?
Ngày 30/8/2013, Chinacourt.org - website chính thức của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc (Trung Quốc pháp viện) đã đăng tải thông tin gây bất ngờ: Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (quốc hội) khóa 12 thông qua quyết nghị cách chức Kiểm sát viên Viện Kiểm sát tối cao của Lưu Cát Ân, Vương Vân Hà, Hà Toàn Ấn, Ngưu Tĩnh Hà. Thông tin này sau đó đã được Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã xác nhận. Tuy nhiên lý do họ bị cách chức không được nói rõ.
Tưởng Khiết Mẫn là “thuộc hạ” của Chu Vĩnh Khang. Tưởng được Chu ủy thác để giúp đỡ Bạc Hy Lai. Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, một người nắm quyền lớn ở trung ương, một người đứng đầu địa phương, kết hợp với Tưởng Khiết Mẫn tạo nên một liên minh chính trị.
Theo Thương báo Hongkong, Lưu Cát Ân nguyên là Tổ trưởng Chuyên án Bạc Hy Lai. Hãng DWNews cho rằng, ông Lưu và các đồng nghiệp bị mất chức có thể liên quan đến lời khai của Bạc Hy Lai trước tòa về việc ông ta bị ép cung trong quá trình bị điều tra.
Ngày 3/9, hãng tin DWNews, Nhật báo Australia và nhiều báo Hoa ngữ đã đưa tin Viện trưởng Kiểm sát tối cao Tào Kiến Minh và Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh đang bị điều tra. Cả hai người này đều là Ủy viên TW khóa 18, từng là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang trong hệ thống chính pháp và có mối quan hệ đặc biệt với Chu.
Tờ Tin tham khảo, phụ san của tạp chí “Minh Kính” (Hongkong) trong số ra đầu tháng 9 đăng bài cho biết: Tào Kiến Minh là chồng của Vương Tiểu Nha, nữ MC nổi tiếng nhất của Đài truyền hình trung ương (CCTV), còn ông Chu Vĩnh Khang cũng kết hôn với Giả Hiểu Diệp, một MC khác.
Còn Lý Đông Sinh nguyên là Phó TGĐ của CCTV, công tác ở CCTV 22 năm, từ nhân viên quay phim trở thành Phó TGĐ, năm 2002 là Phó ban Tuyên huấn T.Ư rồi bất ngờ được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Công an và trở thành Ủy viên T.Ư tại Đại hội 18 năm ngoái.
Một số báo của người Hoa ở nước ngoài cho rằng: Lý Đông Sinh đã trở thành thân tín của Chu Vĩnh Khang và được ông ta nâng đỡ do đã có công trong việc giúp ông cưới được vợ đẹp.
Thu Thủy
Tổng hợp