Đạo diễn “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt là Trần Bửu Lộc. Anh chính là đạo diễn bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” tạo ít nhiều tiếng vang. Một người của BHD, đơn vị sản xuất “Hậu duệ mặt trời” thừa nhận: Đây là một đạo diễn trẻ, thiếu hiểu biết về quân đội, bộ đội. Cho nên, những ngày qua dư luận phần nào dõi sự soi xét về phía đại tá, nhà văn quân đội Chu Lai, vì ông được “chọn mặt gửi vàng” với vai trò cố vấn và biên tập kịch bản Việt hóa.
Một vị đại tá, một nhà văn quân đội tham gia “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt, cuối cùng để lộ nhiều “sạn” lớn gây phản ứng trong dư luận, kiểu như: Trong một phòng họp, có những sĩ quan mặc áo mùa đông, có những sĩ quan mặc áo mùa hè; Các chiến sỹ “đặc nhiệm” khi tác chiến bí mật đáng ra phải giấu đi mình là ai bằng cách che ngôi sao quân hiệu, che hoặc bỏ không đeo quân hàm thì diễn biến trong phim lại đi ngược thực tế; Nhân vật đeo quân hàm thiếu tá lại được gọi là trung tá; nhân vật đeo quân hàm Chuẩn đô đốc hải quân nhưng lại được gọi là “Đô đốc”… Hoặc những tình tiết phi lí: Trực thăng Mi-8, có sức tải lớn lại không đủ sức tải hành lý xách tay của bác sỹ v.v.. ?
Thiếu sáng tạo hay về người lính thời bình
Ngay ý tưởng Việt hóa “Hậu duệ mặt trời” để góp thêm một thanh âm đẹp trong bài ca ca ngợi hình ảnh bộ đội cụ Hồ đã bị một số ý kiến trong dư luận phản đối: “Bộ đội Việt Nam là hậu duệ của nhân dân, của lũy tre làng, cây đa, con sông, con suối, không phải hậu duệ của mặt trời, mặt trăng gì cả”.
Cũng có người bênh rằng, đã là phim ảnh thì phải hư cấu, cho nên không nhất thiết đúng sự thật như… phim tài liệu. Song điều đáng nói ở chỗ: Đã là hư cấu tại sao lại cố gắn vào hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam? Nếu không cố gắn vào hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thì dư luận đã đón nhận “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt như một phim thương mại bình thường, dễ chấp nhận những sai sót hơn?
Lại nhớ phim truyền hình ăn khách một thời “Chạy án”, đạo diễn Vũ Hồng Sơn khi ấy đã lí giải vì sao trong phim có chiếc xe ô tô mang biển số xe là số 10: “Thực ra đây là cách để tránh “đụng chạm”, nếu xe mang biển số thật thì ngay lập tức sẽ có công văn của tỉnh A, tỉnh B nói rằng chúng tôi “bôi xấu” địa phương họ”. Gắn “Hậu duệ mặt trời” với hình ảnh quân nhân Việt tưởng “câu khách”, hóa ra tự tạo áp lực cho mình. Một bạn đọc bình luận: “Đây là kiểu gọt chân cho vừa giày sẽ không bao giờ chuẩn xác được”. Đó là chưa kể đến những khó khăn khác: “Cái khó của mua kịch bản là anh không sửa được nhiều. Nếu không anh làm hẳn bộ phim của anh. Có những tình huống bên mua kịch bản buộc phải chấp nhận”, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.
Nhưng nói đi thì phải nói lại: Phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt dù thành công hay thất bại, cũng là một lời nhắc nhở đối với lực lượng sáng tạo nghệ thuật ở ta. Rõ ràng, hình ảnh người lính trong thời bình còn ít được các nhà văn, các nghệ sỹ chú trọng khai thác, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh người lính trong chiến tranh, được khắc họa đậm nét, có những khắc họa thành công bên cạnh những tìm tòi, sáng tạo nhợt nhạt.
Xây dựng hình ảnh đẹp đẽ và hấp dẫn về người lính là một thách thức không chỉ với các nghệ sỹ ở ta mà còn với nghệ sỹ các nước. Đó là một trong những lí do vì sao “Hậu duệ mặt trời” đắt hàng chuyển nhượng như vậy. Theo nhà văn Ngô Thảo, hiện nay có khoảng hơn 30 nước đã mua kịch bản “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc, trong đó có cả những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản.
Chê cũng được, đừng đạp đổ
Sau khi “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt bị Bộ quốc phòng “tuýt còi” nhẹ: Đề nghị chỉnh sửa sai sót ở những chi tiết phản ánh chưa đúng về hình ảnh quân nhân, không ít ý kiến trong dư luận đòi dẹp bộ phim này ngay và luôn. Nhưng rõ ràng, bộ phim không vi phạm pháp luật, chỉ cần chỉnh sửa một số sai sót, chẳng có lí do gì để “dẹp”. Song Luân, nam diễn viên chính trong phim vừa lên tiếng: “Điều tôi mong mỏi và hy vọng nhất là mọi người có ghi nhận chính đáng về tiền bạc, công sức và tâm huyết của ê kíp hơn 100 người. Trong hoàn cảnh, thời gian và khả năng cho phép, chúng tôi đang cố gắng làm ra bộ phim về người lính, lòng yêu nước và tình yêu của những người trẻ dám nghĩ, dám làm. Vậy nên khen cũng được, chê cũng được, đừng đạp đổ”. Theo thông tin của phóng viên TPCN thu được, kinh phí làm “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt đã đôi lên gấp 2-3 lần so với dự kiến ban đầu.
Trong một góc nhìn khác, những ồn ào liên quan đến “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt có khi lại kích thích người xem đông hơn. Việc nhặt sạn, chê phim nhiệt tình chứng tỏ một điều: Khán giả có xem phim. Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ, “thượng đế” đừng quá bực bội khi nhặt “sạn” ở phim truyền hình. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn từng nói: “Với những bộ phim truyền hình và đặc biệt là phim dài tập, việc gặp “sạn” là điều khó tránh”. Ngay cả bản gốc “Hậu duệ mặt trời” đình đám cũng vướng một số “hạt sạn” phi thực tế đã được dư luận nước này nhặt ra. Thí dụ, ngay tập đầu tiên, một chiếc trực thăng quân đội được điều động tới nóc bệnh viện, hạ cạnh tận nơi để đón đại úy Yoo Shi Jin (Song Joong Ki thủ vai). Một sĩ quan quân đội Hàn khi đó đã phân tích: Một đại úy quân đội không có khả năng điều động trực thăng như vậy. Thêm nữa, người sĩ quan cần phải có mặt tại phi trường quân đội để đón trực thăng chứ không thể ra lệnh cho trực thăng hạ cánh tại bất kỳ đâu, chẳng hạn như trên nóc bệnh viện, giống như trong phim.