Ngoài vụ lâm tặc dùng xe vi phạm chèn chết một trung úy Biên phòng, gây xôn xao dư luận gần đây, nhiều vụ việc xảy ra có hàng trăm đối tượng tham gia, đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý bảo vệ rừng và lâm sản.
Tháng 3-2009, khi kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang tập kết 15 phác gỗ của lâm tặc để xử lý, hàng trăm người dân thôn 1, Thanh Sen (Phúc Trạch, Bố Trạch) đã bao vây và lao vào xâu ẩu cướp gỗ, khiến 3 cán bộ kiểm lâm bị thương.
Theo ghi nhận của một số nhà báo có mặt tại hiện trường, trên đường đi vào khu vực xảy ra vụ việc, nhiều rào chắn được dựng lên nhằm ngăn cản các lực lượng chức năng tiếp cận. Mặc dù kiểm lâm đã cố giữ gỗ, nhưng do lượng người quá khích quá đông, nên 8 phác gỗ đã bị cướp đi.
Hành vi chống người thi hành công vụ chủ yếu nảy sinh khi lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép và bị phát hiện, truy đuổi. Tháng 5-2009, tổ Cơ động thuộc Hạt kiểm lâm Quảng Trạch cho dừng xe ô tô kiểm tra, thì bị đối tượng ngồi trên xe dùng bình xịt hơi cay tấn công, rồi bỏ trốn.
Cũng có nhiều trường hợp, lâm tặc sau khi bị bắt giữ gỗ lậu, đã tìm cách tấn công, khủng bố lực lượng chức năng để trả thù, dằn mặt. Điển hình là vụ tấn công trạm chốt Kiểm lâm tại đèo Đá Đẽo (huyện Minh Hóa) tháng 10-2009.
Một số lâm tặc ở xã Thượng Hóa nhiều đêm liền tấn công Trạm kiểm lâm, đập phá tài sản, trang thiết bị… Trong khi vụ án đang được Công an huyện Minh Hóa điều tra, thì ở Tuyên Hóa, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Lê Hóa bất ngờ bị một nhóm người chặn đánh, khi các kiểm lâm viên đang đi trên đường.
Ông Lê Thuận Thanh - Trưởng phòng Pháp chế Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Thực chất số vụ chống người thi hành công vụ lớn hơn rất nhiều lần con số nói trên. Nhưng vì không tìm được hung thủ hoặc không có đầy đủ thông tin, chúng tôi không thể báo cơ quan chức năng xử lí. Các đối tượng lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh, và được trang bị nhiều loại hung khí như mã tấu và kiếm”. Để hạn chế tình trạng này, theo ông Thanh, cần có sự phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, một mình Kiểm lâm thì không thể làm gì nổi.
“Khi đi trên đường Hồ Chí Minh hoặc đường xuyên Á, rất nhiều lần chúng tôi phát hiện các vụ vận chuyển lâm sản trái phép, nhưng vì lực lượng mỏng nên việc truy đuổi không mang lại kết quả. Có lần, tôi phát hiện một xe ô tô chở gỗ lậu, khi vừa ra tín hiệu dừng xe thì các đối tượng rồ ga bỏ chạy, anh em dùng súng bắn nổ lốp trước nhưng xe vẫn chạy tiếp hơn 2km mới chịu dừng. Khi chúng tôi tiếp cận, nhiều đối tượng còn lăm lăm hàng lạnh đòi xử luật rừng”- Ông Thanh nói.
Ông Thanh thừa nhận: Trong năm 2009, tình trạng rừng và lâm sản bị chảy máu xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nóng bỏng nhất trên các tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn giáp ranh Hà Tĩnh) và đường xuyên Á thuộc huyện Tuyên Hóa. Mỗi ngày có 4-5 xe ôtô vẫn vào ra chở gỗ về phía Hà Tĩnh, nhưng lực lượng chức năng không thể kiểm soát.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chi cục Kiểm lâm đã lập đề án xin UBND tỉnh Quảng Bình đặt 3 trạm barie ở Tân Ấp, đường xuyên Á và đường 10.