Cửa ngõ Toàn cầu là một chiến lược mới của châu Âu nhằm thúc đẩy những kết nối thông minh, sạch và an toàn trong các lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, cũng như tăng cường các hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới. Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao của EU khởi động triển khai chiến lược này vào năm 2021.
Trong cuộc gặp báo chí khi vừa đến Việt Nam vào trưa 28/5, bà Myriam Ferran - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế, cho biết bà sẽ có cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo một số bộ của Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Bà Myriam Ferran cho biết, hợp tác năng lượng đang được hai bên thúc đẩy trong khuôn khổ JETP - cơ chế hợp tác giữa G7 với các đối tác, trong đó 5 thành viên EU với Việt Nam. Cơ chế này sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và dần loại bỏ năng lượng hóa thạch, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đạt hiệu quả sử dụng năng lượng.
Nhóm châu Âu, với sự tham gia của Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch và các định chế tài chính châu Âu như EIB, AFD và KFW dành khoản vốn 15,5 tỷ euro cho Việt Nam để thực hiện các dự án hợp tác theo cơ chế JETP.
Nói về ý nghĩa của sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, bà Ferran cho biết, ngày 29/5, bà sẽ thăm dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái với công suất 1,2 GW ở Ninh Thuận, dự án được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ổn định điện lưới.
“Chúng tôi muốn coi đây là dẫn chứng cụ thể về đóng góp mà EU có thể tạo ra cùng các nước thành viên trong Nhóm châu Âu, với sự tham gia của AFD (Pháp) và KFW (Đức), EIB (EU) và JICA của Nhật Bản. Tôi sẽ có đánh giá trực tiếp về sự đóng góp của dự án năng lượng và chuyển đổi xanh, cũng như của việc triển khai JETP đối với khu vực”, bà Ferran nói.
Quan chức này cũng sẽ thăm một trường nghề ở Ninh Thuận để chứng kiến việc triển khai hỗ trợ của châu Âu nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Bà Ferran khẳng định, những dự án ở Ninh Thuận cho thấy thực tế triển khai chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, minh chứng cho việc EU có thể đóng góp trên khắp Việt Nam chứ không chỉ ở 1 tỉnh. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế hy vọng sẽ có nhiều dự án hơn nữa được triển khai ở Việt Nam theo cơ chế này.
Nói về vai trò của Việt Nam trong chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu, bà Ferran cho biết, châu Âu luôn coi Việt Nam là đối tác then chốt ở khu vực này khi triển khai các chiến lược chuyển đổi xanh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu về chính sách phát triển quốc tế cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm ASEAN – EU vào tháng 12/2023, EU cam kết khoản vốn 10 tỷ euro để thực hiện các nội dung ở khu vực ASEAN liên quan đến Thỏa thuận xanh châu Âu.
Quan chức này cho biết, EU xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng, vì Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, có thể nói là với tốc độ hàng đầu thế giới, kèm theo đó là nhu cầu phát triển năng lượng và tỷ lệ phát thải trên đầu người cũng tăng nhanh.
“Hai bên có lợi ích chung khi thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả người dân. Đó là lý do các nước G7 đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam theo cơ chế JETP để ứng phó với mức độ phát thải trong quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam”, bà Myriam Ferran nói.