Đây là năm thứ 17 Đại hội đồng LHQ liên tục kêu gọi Mỹ huỷ bỏ cấm vận “càng nhanh càng tốt”.
Ngoại trưởng Cuba Felipe Perez Roque phát biểu, ông hy vọng tổng thống Mỹ kế nhiệm sẽ đáp lại lời kêu gọi quốc tế này.
Nhưng ông nói, dù quyết định cuối cùng là thế nào, “tôi cũng muốn nói lại rằng họ sẽ không bao giờ có thể khiến nhân dân Cuba quì gối”.
Nhà ngoại giao Mỹ Ronald Godard phát biểu rằng mọi quốc gia đều có quyền hạn chế thương mại. Ông nói cuộc cấm vận là hợp lý bởi chính phủ Cuba phi dân chủ và hạn chế tự do chính trị và kinh tế.
Số phiếu thông qua là 185 trên tổng số thành viên hội đồng là 192, với 3 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Mỹ, Israel và Palau bỏ phiếu chống, trong khi Micronesia và Quần đảo Marshall bỏ phiếu trắng.
Cuộc bỏ phiếu lần này có thêm một phiếu thuận, so với kết quả năm ngoái là 184 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Khi kết quả cuối cùng được chiếu lên màn hình phòng họp Đại hội đồng, một tràng vỗ tay vang dội đã vang lên.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Cuba, liệt nước này vào danh sách nhà nước đỡ đầu khủng bố và từ lâu đã tìm cách cô lập Cuba thông qua hạn chế đi lại và cấm vận thương mại. Cuộc cấm vận được áp đặt năm 1962 và đã được thắt chặt trong hai nhiệm kỳ của TT Bush.
Ông Perez Roque đã đổ lỗi các biện pháp trừng phạt đã làm Cuba thiệt hại 93 tỉ đô la trong mấy thập kỷ qua.
Còn ông Godard phát biểu trước Đại hội đồng LHQ rằng rằng nhân dân Mỹ vẫn là những nhà viện trợ nhân đạo lớn nhất cho nhân dân Cuba, với 240,5 triệu USD viện trợ tư nhân trong năm 2007. Mỹ cũng gia tăng số tổ chức phi chính phủ để giúp giải quyết các nhu cầu cơ bản, nhưng Cuba đã cự tuyệt những đề nghị giúp đỡ của Mỹ sau hai trận bão tàn phá dữ dội.
“Chúng tôi không thể chấp nhận cái cho sự là giúp đỡ từ kẻ đã tăng cường sự bao vây, trừng phạt và thái độ thù địch với nhân dân chúng tôi” - Perez Roque phát biểu với Hội đồng Bảo an.
Nguyễn Nga
Theo AP