Phân tích thực trạng, vai trò của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp cơ khí của Việt Nam mới ở mức gia công kết cấu thép, dù đây là thị trường rất lớn.
Hàng năm, nếu ta đầu tư 25 - 30 tỉ USD cho ngành công nghiệp cơ khí, riêng tiền thiết bị chiếm tới 10 - 12 tỉ USD.
Có nghịch lý là, những năm gần đây, hàng loạt nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu, các nhà máy khí điện đạm, nhà máy xi măng được xây dựng rất nhiều ở các địa phương nhưng lại sử dụng thiết bị của Trung Quốc và nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước, dù biết thị trường béo bở nhưng không thể chen chân do năng lực cạnh tranh yếu. Như vậy, chúng ta đang kích cầu cho hàng nước ngoài chứ không phải hàng trong nước.
Theo ông Thụ, điểm yếu hiện nay của ngành cơ khí Việt Nam nằm rải rác ở các Bộ ngành, địa phương. Việc đầu tư khép kín, công nghệ cũ, lạc hậu lại bị chia tách, cát cứ theo chỉ đạo của các cấp chủ quản và thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị khiến ngành này không có sức mạnh cạnh tranh. Nếu không thành lập các tập đoàn chuyên ngành về cơ khí, việc cạnh tranh hầu như không thực hiện được.
Ông cũng cho rằng, có thể bán cổ phần các doanh nghiệp cơ khí nhà nước không cần giữ 100 phần trăm vốn cho nước ngoài để tạo vốn đầu tư phát triển và đa dạng hóa nguồn vốn.
“Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy cần bóc tách ngành cơ khí ra khỏi các Bộ chủ quản. Việc sắp xếp không rõ như hiện nay khiến ngành cơ khí của chúng ta sẽ ngày càng mai một đi” - Ông Thụ nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc thành lập tập đoàn cơ khí nặng phải tính đến cả việc xây dựng các lực lượng tư vấn, xây dựng, lắp ráp, chế tạo cơ khí. Có thể ban đầu, Nhà nước cấp vốn thành lập tập đoàn cơ khí nặng với vốn đầu tư 300 triệu đô la.
Trong suốt 40 năm nay, chỉ có nhà máy cơ khí Hà Nội, với những trang thiết bị cũ, làm sao xây dựng ngành công nghiệp đủ sức chế tạo được các tuốc bin, thậm chí sửa chữa cả các thiết bị đã có. “Nếu không chuẩn bị từ bây giờ, chúng ta sẽ mãi chỉ đi mua lại thiết bị của nước ngoài” - Ông nói.
Không nên nhiều ngành nghề trong một tập đoàn
Góp ý tại Hội thảo bàn về việc thành lập tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lắp máy Việt Nam, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 7/8 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Sông Đà Lê Văn Quế cho rằng, mô hình tập đoàn kinh tế trên thế giới không phải mới.
Nhật có khoảng 12.000 tập đoàn kinh tế, Mỹ có 20.000 tập đoàn kinh tế. Còn trên thế giới, có những tập đoàn lớn như Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản, tập đoàn Alstom của Đức, tập đoàn Công nghiệp HaBin của Trung Quốc.
Các tập đoàn này có thể hình thành dưới dạng chuyên ngành sâu như tập đoàn Hyundai có các tập đoàn ngành dọc thương mại, điện tử, xây dựng...
Thực tế thời gian qua cho thấy, nếu không có những đơn vị chuyên ngành cạnh tranh cao, khó có thể chiếm được thị trường. Vì vậy, cần thành lập các tập đoàn chuyên ngành riêng.
Ông Trần Ngọc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh yếu tố cần xác định rõ mô hình, hoạt động của tập đoàn khác tổng công ty thế nào. Cần lưu ý trong việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế phải có một viện nghiên cứu chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong 5 đến 10 năm tới. Ngoài ra, ở các tập đoàn nước ngoài, còn có cả các công ty tài chính và ngân hàng.
Theo ông Bùi Doãn Tạo, Tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí Coma, tập đoàn kinh tế có thể kinh doanh đa dạng nhưng có ngành mũi nhọn. Chúng ta không nên kỳ vọng một bước lên Phù Đổng mà cần có lộ trình. Chúng ta thiếu đầu tiên là chất xám, tư vấn, thiết kế.
Việc xây dựng các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí không thể tiến hành một cách vội vàng, đốt cháy giai đoạn. Tán đồng quan điểm trên, Giáo sư Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, việc thành lập các tập đoàn trong ngành xây dựng là cần thiết nhưng cần chọn thời điểm. Không nên dồn tất cả vào làm một lúc.
“Việc thí điểm ở ta thực chất là làm luôn, như vậy, sẽ đốt cháy giai đoạn. Nên để Lilama là một tập đoàn, Tổng công ty Sông Đà là một tập đoàn. Trong ngành xây dựng hiện nay, vấn đề ưu tiên là tập trung vào cổ phần hóa các đơn vị trên, thay vì gộp tất cả vào để hình thành một tập đoà gồm cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp nặng” - Ông Khoa nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, liên quan đến việc Bộ Xây dựng chuẩn bị thành lập hai tập đoàn kinh tế, Hiệp hội và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất với Chính phủ cho thành lập hai tập đoàn: Tập đoàn xây dựng công nghiệp, dân dụng, bất động sản Việt Nam lấy Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt và Tập đoàn công nghiệp cơ khí và lắp máy Việt Nam lấy Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm nòng cốt.
Theo đề nghị của hai hiệp hội trên, Việt Nam nên theo mô hình tập đoàn kinh tế của thế giới, không nên gộp nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau trong một tập đoàn.