Phú An là một xã vùng trũng thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm ven đầm Sam đầm Chuồn, ven phá Tam Giang. Vùng đất này có làng An Truyền, còn gọi là làng Chuồn, đã nổi tiếng từ thế kỷ 19 với nhân vật họ Đoàn và Đông Sơn thi tửu hội.
Một thời Phú An “nổi tiếng” trong phong trào Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Ấy là hồi đầu thập niên 90, cánh báo chí phát hiện ra một gia đình có 18 nhân khẩu. Đó là gia đình anh Trần Thống, một hộ dân vạn đò ở đầm Chuồn, nay thuộc thôn định cư của Phú An.
Một tờ báo đăng bài viết của nhà thơ Nhất Lâm, kể chuyện anh Trần Thống mới ngoại tứ tuần đã có đến 14 người con, có báo thì viết là 15. Trong một bức ảnh chụp gia đình anh Trần Thống của tác giả Anh Duyệt tôi đếm được 17 người.
Năm 2001, tôi hỏi các anh cán bộ ủy ban xã xác nhận ở thời điểm đó (2001) ông Trần Thống có 16 con và đã lên chức ông nội, ông ngoại. Mới đây (cuối tháng 12/2007) về Phú An, đến tận thôn định cư trao quà cứu trợ của bạn đọc báo Tiền phong, chúng tôi lại hỏi thử nhân khẩu nhà ông Trần Thống nay đã “tăng tự nhiên” đến cỡ nào?
Mọi người đều cười: Không nắm được số liệu chính xác, nhưng đông lắm, nhất cái làng này. Làm nhà, đổ mê không cần phải kêu thêm thợ.
Có dịp trở lại Phú An chắc chắn ai cũng nhận thấy đời sống kinh tế xã hội ở đây đã đổi thay nhiều lắm; nếu nói có một bước phát triển nhảy vọt thì cũng không ngoa. Cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, chợ búa, nhà cửa của dân đều phát triển đồng bộ, khang trang. Năng suất, sản lượng nông nghiệp tăng. Nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh.
Không chỉ có những hộ chuyên ngư mà hàng trăm hộ nông dân ở tất cả các thôn đã nhận mặt nước đầm phá để nuôi tôm, cua, trồng rau câu. Nhiều hộ đầu tư xây dựng ao hồ nuôi tôm thâm canh.
Học sinh tiểu học đến trường, các cháu mẫu giáo đến lớp đều tăng. Nghe nói 2 trường Tiểu học ở Phú An có những năm đậu tốt nghiệp xấp xỉ 100%, có năm đậu 100%.
Nhưng tìm hiểu mới biết, tỷ lệ người mù chữ có lẽ Phú An đang giữ kỷ lục cấp quốc gia. Chúng tôi về trao tận tay 100 suất quà ở Phú Lương chỉ mất hơn 30 phút nhưng ở Phú An phải mất khoảng 90 phút. Lý do chậm trễ là do đa số người đến nhận quà không biết chữ. Họ không đọc được tên mình trên tờ giấy kê danh sách đối tượng cứu trợ, cũng không thể ký được tên của mình vào tờ danh sách đã lập để nhận quà, thậm chí cả những người dưới 40 tuổi.
Cứ khoảng 10 người được mời tới nhận quà thì có đến 8 người không biết ký tên, phải nhờ cán bộ thôn ký giúp.
Tôi chợt nhớ, cùng cả nước Thừa Thiên - Huế đang tập trung mọi nỗ lực cho mục tiêu phổ cập THPT. Việc phổ cập THCS đã hoàn thành “từ hồi tám hoánh”. Ấy vậy mà cho đến hôm nay chúng tôi vẫn còn được chứng kiến thực trạng quá buồn này.
Tiếng là vùng ven đầm phá nhưng Phú An chỉ cách thành phố Huế khoảng 30 phút đi xe máy theo quốc lộ và tỉnh lộ.