“Mục tiêu hỗ trợ của quỹ “vì người nghèo” trong những năm tiếp theo không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên”- Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam khẳng định trong trao đổi với báo chí trước ngày UBTW MTTQ Việt Nam và Ban vận động Trung ương phát động tháng cao điểm vì người nghèo 2016 (17/10 đến 17/11).
Không đem “con cá” cho người nghèo mà trao họ “cần câu”
PV: Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước như thế nào và cuộc vận động của Mặt trận đã mở ra những chương trình cụ thể gì để hỗ trợ cho họ, thưa bà?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Theo số liệu của Bộ LĐ-TB và XH thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn rất cao. Ước tính trên địa bàn cả nước còn khoảng hơn 2,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 9%, bên cạnh đó hộ cận nghèo còn tỷ lệ tương đối lớn với 1,2 triệu hộ. So với khi triển khai thực hiện cuộc vận động này thì tỷ lệ số hộ nghèo theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH là giảm nhiều.
Tuy nhiên, số hộ nghèo theo chuẩn mới được công bố cuối năm 2015 tăng lên do chúng ta nâng cao chuẩn nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới tăng lên nhưng thực chất đối tượng nghèo theo chuẩn cũ thì đã giảm đi một cách cơ bản. Chương trình giảm nghèo của Chính phủ với sự tham gia hưởng ứng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thông qua cuộc vận động ngày vì người nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Quỹ vì người nghèo chủ yếu hỗ trợ người nghèo 5 nội dung: xây dựng nhà ở, đảm bảo cho người nghèo có nơi ở ổn định; hỗ trợ nghèo công cụ, tư liệu sản xuất cơ bản để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ học bổng cho con em người nghèo; hỗ trợ cho người nghèo khi bị ốm đau, phải điều trị nằm viện dài ngày; thăm hỏi động viên người nghèo vào những ngày lễ Tết của đất nước.
PV: Bà có thể cho biết trong năm 2016 và 2017, việc vận động quỹ vì người nghèo sẽ tập trung giải quyết vấn đề gì và chính sách nào sẽ được ưu tiên cho nhóm đối tượng nào?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Hiện MTTQ Việt Nam triển khai kiện toàn lại Ban vận động Ngày vì người nghèo để điều chỉnh lại quy chế quản lý quỹ, vì trước đây quy chế quản lý quỹ đối tượng chưa rõ ràng; việc phân cấp, trách nhiệm để vận động kêu gọi xây dựng quỹ các cấp còn trùng lắp. Vì vậy có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị họ nhận được sự đề nghị của quỹ các cấp trong cùng một thời điểm, gây ra những áp lực đối với họ. Một trong những nội dung mà MTTQ Việt Nam điều chỉnh quỹ, quy chế quản lý quỹ là quy định đối tượng rõ thêm theo hướng mở rộng. Theo đó, mở rộng thêm đối tượng là hộ cận nghèo; những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do gặp sự cố, tai nạn bất ngờ cần sự chia sẻ của cộng đồng.
Mục tiêu hỗ trợ của quỹ vì người nghèo trong những năm tiếp theo không phải chỉ dừng lại ở chỗ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho họ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên. MTTQ Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên để có những hoạt động hỗ trợ, tư vấn dạy nghề cho hộ nghèo để họ có điều kiện, cơ hội, có công ăn việc làm vươn lên trong cuộc sống. Mục tiêu là giảm nghèo bền vững, chúng ta không đem “con cá” đến cho người nghèo mà trao cho họ “cần câu”.
Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chủ động tìm đến người nghèo
PV: Theo bà, trong thời gian tới, chúng ta cần phải có những hoạt động gì để tăng cường vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Những năm trước MTTQ Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam hàng năm vào ngày 31/12 tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn” để vận động ủng hộ người nghèo. Chương trình luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hằng năm đều tiếp nhận được một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ cho người nghèo. Bên cạnh đó, quỹ vì người nghèo còn nhận được sự ủng hộ của các tập đoàn, các doanh nghiệp bằng các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ cho các hộ nghèo, vùng nghèo.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, chương trình “Nối vòng tay lớn” cũng nảy sinh một số vấn đề làm cho dư luận băn khoăn. Dư luận đặt câu hỏi chương trình hằng năm tiếp nhận nguồn ủng hộ lớn như vậy nhưng tại sao con số hỗ trợ từ quỹ vì người nghèo không cao. Ở đây có một vấn đề là qua chương trình “Nối vòng tay lớn” phát trực tiếp trên truyền hình, có những doanh nghiệp, cá nhân mượn diễn đàn để đăng ký ủng hộ nhưng sau đó lại không thực hiện theo đúng cam kết. Vậy nên Ban thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ban vận động Vì người nghèo Trung ương không thực hiện chương trình “Nối vòng tay lớn” hàng năm nữa, mà chuyển thành vận động thường xuyên. Ban vận động Quỹ vì người nghèo các cấp hàng năm xây dựng kế hoạch và đi vận động trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn kêu gọi sự chia sẻ ủng hộ đối với người nghèo, qua đó các đơn vị cam kết với MTTQ các chương trình an sinh xã hội để tạo nguồn ổn định cho quỹ vì người nghèo.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, cơ quan báo chí của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội về trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể trong việc chung sức cùng với chính quyền, các bộ ngành các cấp để chăm lo hỗ trợ cho người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bằng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự chia sẻ, sự đồng hành của toàn xã hội đối với hoạt động của Mặt trận, chúng tôi cũng thường xuyên nhận được sự đóng góp ủng hộ của các cá nhân, tổ chức. Có những cá nhân đều đặn tháng nào cũng trích ra một khoản tiền từ thu nhập của mình để hỗ trợ cho quỹ vì người nghèo. Tôi cho rằng, chúng ta không nhất thiết phải tổ chức bằng những hình thức, quy mô vận động hoành tráng mà bằng việc tuyên truyền vận động thường xuyên cũng tạo được sự chia sẻ đồng cảm của toàn xã hội để chăm lo cho người nghèo.
PV: Ngày 17/10, Ban vận động vì người nghèo Trung ương phát động tháng cao điểm Vì người nghèo 2016. Đến thời điểm này đã có bao nhiêu đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ, thưa bà?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Đến thời điểm này chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Bộ quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng thương mại thông qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự cam kết sẽ hỗ trợ quỹ vì người nghèo Trung ương. Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự cam kết ủng hộ quỹ vì người nghèo Trung ương của tập đoàn Vingroup. Tập đoàn đã công bố số tiền ủng hộ là 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup cũng cam kết thông qua mặt trận dành 300 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình từ thiện phẫu thuật cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh và các hộ nghèo. Chương trình hỗ trợ phẫu thuật này được thực hiện tại hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, kéo dài trong 1 năm (2016-2017). Đối tượng ưu tiên của chương trình là các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh và các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Các bệnh nhân sẽ được hỗ trợ đi lại, được thăm khám, phẫu thuật, điều trị, điều dưỡng... Với chương trình phối hợp giữa 2 bên này, chúng tôi sẽ hướng dẫn MTTQ các tỉnh thông báo cho các cho các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách khi gặp các căn bệnh hiểm nghèo cần phải điều trị bằng kỹ thuật cao thì chúng tôi hỗ trợ.
PV: Cùng với vận động toàn xã hội, nhân dân thì vai trò đóng góp cho quỹ vì người nghèo của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là rất quan trọng. Xin bà cho biết, Mặt trận có phương thức nào để hướng tới các doanh nghiệp lớn để kêu gọi họ chung tay vì người nghèo?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Thực ra Mặt trận không phải đi vận động nhiều. Thời gian qua, các tập đoàn lớn với trách nhiệm xã hội của mình họ chủ động tìm đến phối hợp với Mặt trận. Nhiều tập đoàn tự công bố chương trình và tham gia hỗ trợ cho quỹ vì người nghèo Trung ương. Như các ngân hàng thương mại chúng tôi chưa tìm đến họ nhưng họ đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để có sự ủng hộ cho quỹ vì người nghèo Trung ương.
Tương tự, từ trước đến nay tập đoàn Vingroup đã thực hiện hoạt động an sinh xã hội rất nhiều nhưng chưa có chương trình phối hợp với Mặt trận, năm nay họ tìm đến với Mặt trận để phối hợp. Tôi cho rằng, với các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, nhất là kết quả thực hiện vì người nghèo ấn tượng, hiệu quả của các cấp mặt trận thì các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động tìm đến để ủng hộ quỹ vì người nghèo.
PV: Xin cảm ơn bà.