Một môn thể thao mạo hiểm
Những năm gần đây, offroad được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam. Đây là một môn thể thao khắc nghiệt, không dành cho những “kẻ yếu tim”.
Dù trong cuộc đua hay trên cung đường trải nghiệm, người chơi phải vượt qua những địa hình vô cùng hiểm trở. Có thể là đèo dốc gập ghềnh, suối sâu, sình lầy hay những đoạn đường đá sỏi chạm đến gầm xe…
Trong số những tay lái offroad nổi tiếng ở Việt Nam, hai tay lái Nguyễn Anh Tú và Đỗ Trọng Trung (đều sống ở Hà Nội) nổi lên với niềm đam mê đặc biệt cũng như độ lỳ lợm khi xuất hiện tại các cuộc đua offroad.
“Offroad buộc người chơi đối diện với sống chết nhưng tình yêu mình dành cho nó thì chưa bao giờ hết", anh Nguyễn Anh Tú (biệt danh “Tú Voi”, một tay đua có tiếng trong “làng” offroad) bộc bạch khi được hỏi về môn thể thao lái xe địa hình offroad.
Mặc dù là một tay đua có kinh nghiệm, anh Tú vẫn không tránh khỏi những tai nạn để đời.
“Đó là khi mình phải tời chiếc xe lên con dốc cao hơn 5 mét, thẳng đứng 90 độ so với mặt đất. Khi đang tời được nửa thì cáp tời đứt, chiếc xe tung ra, lật ngửa và rơi xuống rãnh suối phía dưới. Đầu mình ngập trong nước nhưng vướng dây bảo hiểm, không sao thoát ra được. Trong khoảng 1 phút gỡ dây, mình bị sặc và không thở được”, anh chia sẻ về kỉ niệm trong giải đua ở Bình Dương 2015.
Những chiếc xe anh Tú và các đồng đội sử dụng trong một số giải đua gần đây không mất đầu, gãy gương thì cũng vỡ đèn, móp, méo. Bên trong xe lấm lem bùn đất. Nhìn cũng đủ nhận ra môn thể thao này gian nan, thử thách thế nào.
Xuất phát từ đam mê mãnh liệt
Anh Tú chia sẻ: “Nhiều người nói mình 'dở hơi' khi tự đâm đầu vào chỗ khổ nhưng với mình đó là niềm đam mê. Trong đam mê thì không có định nghĩa nào cắt nghĩa được. Có thể với mọi người là khổ nhưng với bọn mình nó là cái sướng, cảm giác được chinh phục”.
Hai từ “chinh phục” được anh nhắc lại nhiều lần. Với anh Tú cũng như với những người chơi khác, đó là lý tưởng để tìm đến, gắn bó với môn thể thao này.
Bản chất của offroad không chỉ là những giờ phút “xả stress” mà còn là cảm giác mãn nguyện khi vượt qua thử thách và khám phá chính bản thân mình.
Theo anh Tú, anh đã được tiếp xúc với xe ôtô, với mùi dầu mỡ ở xưởng sửa xe của bố từ khi còn rất nhỏ. Tình yêu dành cho xe không biết nó ngấm vào từ lúc nào. Đến khi trưởng thành hơn, anh đã có điều kiện tham gia và theo đuổi niềm đam mê của mình.
Bài học đường đua cũng là bài học “đường đời"
Không chỉ là môn thể thao thỏa mãn sở thích đơn thuần, offroad còn mang đến cho những người chơi những trải nghiệm không phải môn thể thao nào cũng có được.
Anh Tú chia sẻ: “Đó là bài học về sự tự lập và cách sống sinh tồn. Khi đua trong rừng, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, mình bắt buộc phải tìm cách chăm sóc bản thân và sinh tồn qua một tuần trong đấy”.
Khi đối diện trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người buộc phải bộc lộ bản lĩnh của mình. Bởi vậy, offroad giúp các tay đua mạnh dạn hơn và gai góc hơn khi bước ra cuộc sống.
Những bài học từ tình đồng đội cũng là điều người chơi offroad nào cũng phải thừa nhận.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất với đồng đội, anh Đỗ Trọng Trung, một người chơi offroad, chia sẻ: “Hồi tham gia giải Dambri ở Lâm Đồng năm 2014, xe của mình bị hỏng hộp số. Các anh em trong đội phải hạ cái hộp số đấy ngay trong rừng, rồi phải chạy hơn 70 km từ rừng ra đường lớn để lấy hộp số mới gửi gấp từ Sài Gòn lên. 12 giờ đêm, anh em quyết định chạy luôn, ra đến ngoài là 2 giờ sáng, đợi xe từ Sài Gòn chạy đến điểm hẹn là gần 3 giờ. Lấy xong hộp số, anh em chạy về để lắp. Chạy vào đến nơi đã gần 5 giờ sáng. Từ đó đến 8 giờ, anh em cấp tốc lắp hộp số để mình có thể tiếp tục thi đấu. Tức là nguyên đêm đấy cả đội thức trắng để giúp mình”.
Chính bởi những giờ phút cùng nhau vượt qua khó khăn đó, những người chơi offroad gắn kết với nhau như anh em trong nhà.
các thành tích cao trong mỗi giải đua offroad lớn nhỏ.
Đều đặn hàng tháng, anh Tú, anh Trung cùng đồng đội chinh phục những cung đường offroad khác nhau. Thường là vùng rừng núi Tây Bắc hiểm trở, vừa để có những trải nghiệm mới, vừa để luyện tập và nâng cao khả năng offroad.
Điều vô cùng nhân văn trong các chuyến đi chính là những tấm lòng nhân ái, vượt qua khó khăn để chở thực phẩm, những vật dụng cần thiết cho bà con bản làng vùng sâu, nơi chỉ có những xe địa hình này mới có thể làm tốt được.