Ca sĩ Phi Nhung vừa chia sẻ điều ước giúp cha dượng đang điều trị ung thư gặp lại người con ở Mỹ; anh có thể cho biết chương trình “Điều ước thứ 7” có thực hiện?
Về nguyên tắc của “Điều ước thứ 7”, tôi chưa thể trả lời Phi Nhung ngay vì khá tế nhị, mặc dù mình làm điều ước cho người ta nhưng về mặt nghề nghiệp thì không thể để lộ ra. Đấy là lý do mà đôi khi có những trường hợp truyền thông quá, để lộ câu chuyện ra nhưng đến khi mình làm thì đến chỉ làm được phóng sự rồi cảm ơn chứ không thể làm “Điều ước thứ 7” vì nó mất đi yếu tố đặc biệt là không để cho nhân vật biết mình thực hiện điều ước cho họ. Vì vậy, bạn có hỏi thì mình cũng không thể trả lời là có làm hay không được, vì bảo làm mà không làm cũng không được mà để lộ ra là làm thì cũng sẽ khó cho chương trình.
Những điều ước của nhân vật có yếu tố nước ngoài như trường hợp của ca sĩ Phi Nhung, chương trình có thực hiện không?
Thực ra, điều này rất là khó vì những câu chuyện ở nước ngoài như Phi Nhung chia sẻ thì bọn mình có rất ít thông tin để có thể chia sẻ, thực hiện. Nếu thông tin ấy trong khả năng thì chắc chắn chương trình “Điều ước thứ 7” sẽ làm.
Chúng tôi cũng đang có câu chuyện mà cộng đồng đang chia sẻ rộng rãi để cố gắng tìm được manh mối, đó là chuyện có một bạn về Việt Nam để tìm mẹ của bạn ấy. Chúng tôi đang tìm mọi cách để kết nối cho bạn ấy và nếu được thì sẽ triển khai thực hiện điều ước đấy.
Ekip thực hiện “Điều ước thứ 7” có xác nhận câu chuyện của nhân vật cho chính xác để làm chương trình không?
Khi làm phóng sự, ekip sẽ phải tiếp cận nhân vật trong vòng 1 tuần và bằng nghiệp vụ xác minh câu chuyện có thật không. Trong 1 tuần, họ sẽ tiếp cận câu chuyện và nghe được nhiều phía. Có những câu chuyện của các bạn đồng nghiệp cung cấp nhưng nhiều khi nó đáng tiếc là không có thời gian để kiểm chứng chi tiết cho chính xác. Vì vậy, khi có câu chuyện trên báo chí hoặc mọi người giới thiệu thì ekip “Điều ước thứ 7” sẽ về đó ở 1 tuần để kiểm chứng thông tin và cũng để hiểu nhân vật để hiểu người ta ước gì.
Nhân vật được “Điều ước thứ 7” thực hiện điều ước phải đáp ứng được tiêu chí gì?
Chúng tôi không chọn nhận vật mà chọn ước mơ của nhân vật để làm tiêu chí xây dựng chương trình. “Điều ước thứ 7” sẽ thực hiện những ước mơ đẹp của nhân vật, như có người muốn được 1 lần trong đời tổ chức sinh nhật chứ không phải những trường hợp thu nhập thấp mong muốn có thu nhập cao hơn… Nhân vật mà chương trình làm phải là những người có khả năng truyền cảm hứng, hướng người xem tới những suy nghĩ tích cực lạc quan như: một tù nhân lĩnh án chung thân có khát vọng hoàn lương, một cô giáo bị nhiễm HIV, một ông bố bán kem dạo để nuôi các con vào Đại học, một người mẹ ung thư thà chết chứ không chịu bỏ rơi con mình…
Năm 2017 vừa qua, anh có nghĩ “Điều ước thứ 7” thành công nhất với trường hợp cha con bé Bôm?
Tôi nghĩ khó để đánh giá cái nào thành công hơn bởi vì bé Bôm là trường hợp rất đặc biệt khi tạo được thiện cảm với khán giả bởi phong cách của bé; thứ hai là anh Quốc Tuấn cũng là nghệ sẽ được công chúng rất ngưỡng mộ và để tâm; thứ ba là thời điểm ấy, câu chuyện của cha con anh Quốc Tuấn rất được mọi người quan tâm.
Ngoài ra, “Điều ước thứ 7” còn có nhiều câu chuyện đáng quý, đáng trân trọng như có 1 anh ngư dân mù ở một đảo nhỏ hoang, hằng ngày anh ấy cứ bắt cá bắt tôm để nuôi gia đình nhỏ của anh ấy và anh có một ước muốn là có 1 chiếc thuyền an toàn hơn; hay trường hợp có 1 diễn viên múa bị bệnh nặng (bây giờ thì bạn ấy mất rồi) thực hiện ước mơ được biểu diễn trên sân khấu và tham dự giải thưởng VTV Awards; một bà mẹ bị ung thư chấp nhận không chữa trị để sinh con nhưng điều kỳ diệu là chị ấy lại đỡ bệnh… Nói chung, rất khó để so sánh số nào của “Điều ước thứ 7” là thành công hơn được và khi xem chương trình thì khán giá sẽ nhận ra điều này.
Năm nay, “Điều ước thứ 7” có đi tìm những trường hợp như cha con bé Bôm để thực hiện?
- Chưa bao giờ “Điều ước thứ 7” có tiêu chí đi tìm mẫu nhân vật nào đó mà là câu chuyện nó đến rất bất ngờ. Thực sự, “Điều ước thứ 7” luôn “đói” vì chúng tôi cũng không biết làm câu chuyện nào tiếp theo, có khi nhận được câu chuyện, chúng tôi đến làm nhưng không phù hợp thì lại phải thay. Điều đó cho thấy việc chọn nhân vật nào hay tiêu chí thì chúng tôi không có mà mọi thứ đều đến rất tự nhiên.
Anh có thể cho biết từ ngày 5/5, “Điều ước thứ 7” lên sóng có nhà tài trợ, điều này có ảnh hưởng gì đến chất lượng của chương trình không?
- Ban đầu, tôi rất dị ứng khi “Điều ước thứ 7” có nhà tài trợ tham gia chương trình dù họ yêu mến và chủ động liên hệ với chương trình. Tuy nhiên, nhà tài trợ cũng bày tỏ mong muốn rằng họ không muốn xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng tới chương trình nên tôi cũng bớt lo lắng. Mục tiêu của những người làm chương trình này là chúng tôi hướng đến đời sống tinh thần nhưng được sự kết hợp, tạo điều kiện của nhà tài trợ thì rất ý nghĩa.
Kinh phí này để chúng tôi tới được những nơi khó khăn, nguy hiểm thực hiện “Điều ước thứ 7”, vì có những nơi chúng tôi phải cùng nhau vượt rừng, lên non với đường xá nguy hiểm mất cả tuần mới tới được. Có khi, chúng tôi thực hiện những mong muốn nhỏ nhất của nhân vật như muốn có mái nhà không bị dột nữa, muốn được xem tivi… chứ chúng tôi không thực hiện chia đều là mỗi tập sẽ hỗ trợ nhân vật bao nhiêu tiền bởi có những nhân vật có ước mơ rất giản dị như được đến Cần Thơ, được hát với cô Phi Nhung… thì chi phí cũng không tốn nhiều tiền.
Có những nhà hảo tâm muốn giúp đỡ các nhân vật của “Điều ước thứ 7” nhưng tại sao đến giờ, chương trình vẫn không gây quỹ từ thiện riêng?
Chúng tôi không có năng lực quản lý quỹ từ thiện riêng để hoạt động trong sạch và hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài những giúp đỡ trực tiếp cho nhân vật thì Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có quỹ “Tấm lòng vàng”, các nhà hảo tâm vẫn có thể giúp đỡ để đến tận tay các nhân vật cần giúp đỡ.
Xin cảm ơn!