Ngày 26/10, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết vừa cứu sống bệnh nhân T., 54 tuổi, Việt kiều Mỹ. Trước đó, khi đang chạy thể dục buổi sáng, bất ngờ ông T. đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường. Ông được người dân đưa vào Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Ngay lập tức, ê kíp cấp cứu hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Sau khi hồi sức tim phổi 30 phút và sốc điện trên 10 lần, bệnh nhân mới bắt đầu hồi phục tuần hoàn. Cũng trong lúc hồi sức, phía Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhân dân Gia Định để hội chẩn liên viện. Theo đó, xác định được bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tối cấp, cần can thiệp tái thông mạch vành. Bốn nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức cùng máy móc hồi sức đã theo bệnh nhân lên xe cấp cứu, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống xấu nhất trong quãng đường 13 km chuyển bệnh.
Phía Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng lập tức chuẩn bị sẵn sàng chờ đón bệnh nhân. Tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” khi bệnh nhân liên tục ngưng tim ngưng thở khi vừa tới cổng bệnh viện và trong khi thực hiện tái thông mạch vành. Não bệnh nhân đã bị thiếu máu quá lâu nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, còn gọi là "gấu ngủ đông".
Theo TS-BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đây là kỹ thuật giúp hạ thân nhiệt từ 37 độ C xuống còn 33 độ C trong vòng 24 giờ liên tục, giảm được sự chuyển hóa. Từ đó sẽ giúp cứu được tế bào não, giúp người bệnh giảm nguy cơ sống thực vật hoặc di chứng não do ngưng tim ngưng thở kéo dài thường gặp.
Sau khi được cấp cứu “gấu ngủ đông”, bệnh nhân T. đã ổn định sức khoẻ đồng thời được hộ tống trở về Mỹ tiếp tục chăm sóc. Khi đáp máy bay và đến được Bệnh viện Đại học Washington của Mỹ, vợ ông T. đã nhắn tin cho các bác sĩ Việt Nam thông báo chuyến bay không có trở ngại, sức khỏe của chồng bà đang hồi phục tốt và hiện đang điều trị ở bệnh viện này. Hiện sức khỏ của ông T. đã ổn định.
Từ khi được Sở Y tế TP.HCM cho phép thực hiện kỹ thuật này vào năm 2017, đến nay Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã áp dụng cứu sống cho 5 bệnh nhân. Trong đó, có 3 bệnh nhân ngừng tim do bệnh mạch vành, 1 bệnh nhân ngừng tim do thắt cổ, một bệnh nhân ngừng tim do bệnh lý hô hấp.