Trao đổi với Tiền Phong chiều 16-3, ông Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Quả là có nguyên nhân từ phương pháp dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân chưa tốt. Ngay cả đánh giá đạo đức học sinh của chúng ta hiện nay cũng chưa khoa học.
Theo tôi, giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường không thể thay thế yếu tố gia đình. Nhà trường có thế mạnh giáo dục nhận thức, thông qua nhận thức tác động tới tình cảm. Nhưng nhà trường không thể gần gũi, hiểu biết sâu sắc từng cá nhân học sinh, có tác động tình cảm liên tục tới học sinh như gia đình được. Vì thế, về mặt đạo đức, tình cảm, gia đình có thế mạnh hơn nhà trường.
Dư luận cho rằng, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường còn yếu...
Không chỉ đến lúc này Bộ GD&ĐT mới thấy phải đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Hiện tại, chúng tôi đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu để đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống dạy tích hợp với một số môn học trong nhà trường sau năm 2010. Dự kiến, năm học tới sẽ triển khai thí điểm ở các cấp học phổ thông.
Nội dung kỹ năng sống rất nhiều, Bộ GD&ĐT xác định những nội dung nào là trọng tâm?
Trong các kỹ năng sống thì kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề là những nội dung có ảnh hưởng tích cực tới việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất tư cách cho học sinh.
Vậy theo ông đâu là giải pháp?
Phải tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống cho học sinh. Trong đạo đức, lối sống có ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật. Rồi rèn luyện những kỹ năng sống như ứng xử trong nhóm, giải quyết những xung đột. Hạn chế hướng giải quyết tiêu cực của bản thân các em khi có xung đột.
Mặt khác, các trường sư phạm phải tăng cường rèn luyện cho giáo sinh về việc nắm bắt tâm lý trẻ nói chung, tâm lý giáo dục nói riêng. Rèn luyện cho giáo sinh sư phạm có khả năng ứng xử, có khả năng nắm bắt được diễn biến tâm lý của các em học sinh để giúp đỡ các em trong cuộc sống, trong học tập.
Cảm ơn ông!
Quý Hiên thực hiện