Đảng ủy Kiểm toán nhà nước, Thanh tra chính phủ, Khối Doanh nghiệp trung ương

Ký kết Quy chế phối hợp công tác

TPO - Ngày 11/10/2018, tại Hà Nội, Đảng ủy 3 cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra chính phủ và Khối Doanh nghiệp trung ương đã diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác. Buổi lễ có sự góp mặt của ông Hồ Đức Phớc - Bí thư Ban  cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Minh Khái - Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng thanh tra Chính phủ và ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các doanh nghiệp trung ương đánh giá (DNTƯ), sau gần 8 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa 3 bên, công tác kiểm tra đã đạt được một số kết quả quan trọng như góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng trong doanh nghiệp, khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần đấu tranh trong phòng chống tham nhũng…

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa 3 bên vẫn còn một số hạn chế về trao đổi thông tin kết quả kiểm tra, giám sát; xử lý trách nhiệm cấp ủy tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác sử dụng tài chính, tài sản công đối với các DNTƯ. Việc trao đổi thông tin sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời, chưa tổ chức được hội nghị, hội thảo về cơ chế của DNTƯ....

Lễ ký kết phối hơp công tác giữa Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ

Do đó, trong lần ký kết hợp tác này, 3 cơ quan sẽ tiến hành phối hợp thực hiện hai quy chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác giữa các cơ quan.

Một là, các cơ quan sẽ thông báo cho nhau về quyết định thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng đối với doanh nghiệp Nhà nước, phối hợp trong việc cung cấp trao đổi thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ trên cơ sở tôn trọng, và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.  

Hai là, khi phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc khối DNTƯ có dấu hiệu vi phạm về công tác tài chính, pháp luật, Đảng ủy khối phải chỉ đạo cấp ủy các doanh nghiệp được kiểm toán, thanh tra nghiêm túc chấp hành các quyết định kết luận của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra chính phủ. Bên cạnh đó, khi Kiểm toán nhà nước chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại các DNTƯ thì gửi cho cả Đảng ủy khối DNTƯ. Khi cần thiết, các bên đề nghị cử cán bộ chuyên môn để thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong khối và tổ chức trao đổi hàng năm.

Đánh giá về nội dung Quy chế mới, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, Quy chế mới sẽ góp phần làm thống nhất và hiệu quả hơn trong việc kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trung ương, tránh chồng chéo giữa các cơ quan. Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng mỗi năm chỉ nên kiểm toán, thanh tra một lần trên một nội dung nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng.

Tổng Thanh tra chính phủ, ông Lê Minh Khái cho biết, khi kiểm tra các cơ quan không nên kéo dài thời gian thông báo mà cử cán bộ chuyên môn phối hợp với nhau nhiều hơn. Điều này sẽ đánh giá hiệu quả được công tác và cung cấp thông tin một cách đầy đủ, thống nhất.  

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy Khối  doanh nghiệp trung ương cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần có các cuộc sơ kết, tổng kết sớm hơn. Trong 8 năm vừa qua, 3 cơ quan mới chỉ có một cuộc tổng kết là quá dài. Theo ông Thanh, việc kiểm tra trong nội bộ nhiều lúc còn chủ quan, nhưng khi có Kiểm toán nhà nước và Thanh tra chính phủ vào giám sát thì công tác kiểm tra sẽ khách quan hơn.